Siêu sóng thần từng xuất hiện trên sao Hỏa - Tư liệu - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu sóng thần từng xuất hiện trên sao Hỏa

Những tàn tích của sóng thần trên sao Hỏa là bằng chứng mới nhất cho thấy hành tinh đỏ từng có đại dương và có thể nuôi dưỡng sự sống.

Dù bề mặt sao Hỏa hiện nay lạnh và khô, nhiều bằng chứng cho thấy một đại dương từng bao phủ bề mặt hành tinh đỏ cách đây vài tỷ năm.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể sự sống từng tiến hóa trên sao Hỏa khi bề mặt của nó ẩm ướt. Thậm chí, một số nhà khoa học dự đoán sự sống vẫn đang tồn tại bên dưới bề mặt sao Hỏa.

sieu song than tren sao Hoa anh 1
Những nếp gấp do trầm tích tạo nên ở phía bán cầu bắc của sao Hỏa trong một số ảnh nhiệt. Ảnh: Livescience

Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn tranh cãi gay gắt về sự tồn tại và quy mô của đại dương cổ xưa trên sao Hỏa. Chẳng hạn, đến tận bây giờ các nhà khoa học vẫn thiếu bằng chứng rõ ràng về những bờ biển mà sóng tạo nên trên hành tinh đỏ.

Song một số ảnh nhiệt mới về những cao nguyên phía bắc sao Hỏa cho thấy những thứ có thể là dấu vết do hai trận siêu sóng thần cách đây khoảng 3,4 tỷ năm. Đó là thời kỳ hành tinh đỏ có một đại dương lạnh, mặn và chứa băng, Livescience đưa tin.

“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ rệt về sự hiện diện của những đại dương lớn và tồn tại lâu trên sao Hỏa”, Alberto Fairen - nhà nghiên cứu hành tinh làm việc cho Trung tâm Sinh học Thiên văn ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha và Đại học Cornell ở thành phố New York, Mỹ - nói với Space.com.

Fairen và các đồng nghiệp xem xét những bờ biển cổ trên sao Hỏa để tìm những điểm bất thường. Họ phát hiện những nếp gấp trên bờ biển do trầm tích tạo nên. Chúng có chiều dài và chiều rộng lên tới hàng trăm km, Alexis Rodriguez, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Ông là nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Hành tinh tại thành phố Tucson, bang Arizona, Mỹ.

Nhóm nghiên cứu nhận định các nếp gấp là tàn tích của hai trận sóng thần khổng lồ từng ập vào các cao nguyên ở phía bắc sao Hỏa. Trận siêu sóng thần đầu tiên từng tràn qua khu vực có diện tích khoảng 800.000 km2, còn trận siêu sóng thần thứ hai nhấn chìm khu vực có diện tích chừng 1 triệu km2.

Chúng có thể cuốn theo những tảng đá có chiều cao tới 10 m, hoặc tạo nên những rãnh có chiều rộng tới 200 m và chiều dài khoảng 20 km. Những rãnh lớn cũng từng xuất hiện sau những trận sóng thần trên địa cầu.

Trong khoảng thời gian giữa hai trận sóng thần, khí hậu trên sao Hỏa trở nên lạnh hơn, vì những nếp gấp hình thành sau trận sóng thần thứ hai chứa khá nhiều băng.

“Băng không trở lại đại dương nên chúng tôi nghĩ hồi ấy đại dương đóng băng”, Fairen giải thích.

 

Bài liên quan

Quân Vũ

Bạn có thể quan tâm