Tạp chí National Interest cho biết những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô dựa vào hạm đội tàu ngầm để trung hòa sức mạnh của Hải quân Mỹ. Một trong những đỉnh cao công nghệ vũ khí dưới của Liên Xô là ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval. Chi tiết về loại ngư lôi này hầu như không được biết đến trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Thông tin về ngư lôi siêu khoang VA-111 chỉ được biết đến vào những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong thế giới vật lý mà các tàu và vũ khí dưới nước gần như đã đạt đến giới hạn tốc độ 50 hải lý/h ( khoảng 90 km/h), các kỹ sư Liên Xô đạt được thành công đột phá như thế nào?
Công nghệ bọt khí
Ngư lôi truyền thống sử dụng chân vịt hoặc máy bơm để di chuyển dưới nước, trong khi đó, VA-111 sử dụng động cơ tên lửa. Điều đó giúp ngư lôi chạy nhanh hơn nhưng khi di chuyển trong môi trường nước sẽ gây ra lực ma sát và lực kéo rất lớn.
Tốc độ di chuyển cực nhanh của Shkval có thể khiến đối phương không kịp trở tay. Ảnh:
National Interest. |
Các kỹ sư Liên Xô đã tạo ra giải pháp công nghệ đột phá là hình thành bọt khí từ phần mũi bao bọc toàn bộ ngư lôi. Giải pháp này giúp ngư lôi di chuyển bên trong siêu khoang bằng bọt khí và hầu như không tiếp xúc với nước, cho phép đạt tốc độ tới 370 km/h, có nguồn tin nói có thể đạt tới tốc độ 560 km/h.
Phiên bản đầu tiên của ngư lôi siêu khoang VA-111 được cho là đưa vào sử dụng từ năm 1978. Phiên bản này có công nghệ dẫn đường thô sơ và chỉ có thể tấn công theo kiểu bắn thẳng. Shkval phóng từ ống phóng tiêu chuẩn 533 mm, tốc độ ra khỏi ống phóng khoảng 90 km/h, sau đó động cơ tên lửa và bọc khí được kích hoạt để lao đến mục tiêu với tốc độ rất nhanh.
VA-111 có tầm bắn khoảng gần 7 km, mang theo đầu đạn nặng 210 kg, ngư lôi này có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Phiên bản nâng cấp gần đây được gọi là Shkval-2 bổ sung thêm hệ thống dẫn hướng, động cơ kiểm soát vector lực đẩy cho phép nó bám theo các mục tiêu di chuyển. Phiên bản này có tầm bắn khoảng 11-15 km.
Ngoài ra, phiên bản xuất khẩu Shkval-E nhiều khả năng đã được bán cho một số quốc gia nước ngoài. Iran tuyên bố đã chế tạo thành công phiên bản tương tự Shkval được gọi là Hoot, có thể đạt tốc độ 360 km/h. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng độc lập.
Nỗ lực chưa thành công của Mỹ
Kyle Mizokami, nhà phân tích quốc phòng tại San Francisco, Mỹ nhận xét, yếu điểm lớn nhất của ngư lôi siêu khoang Shkval là động cơ tên lửa rất ồn, bất kỳ tàu ngầm nào phóng loại ngư lôi này ngay lập tức sẽ để lộ vị trí gần đúng của nó.
Đồ họa cơ chế di chuyển của ngư lôi VA-111. Đồ họa: Army Recognition |
Hạn chế tiếp theo là bọt khí phía trước và động cơ tên lửa tạo ra tiếng ồn quá lớn làm mất khả năng dẫn đường bằng âm thanh thụ động hoặc chủ động. Phiên bản đầu của VA-111 không có khả năng dẫn hướng. Phiên bản nâng cấp gần đây sử dụng biện pháp thỏa hiệp, tức là sử dụng siêu khoang để chạy thật nhanh đến khu vực mục tiêu, sau đó giảm tốc độ để tìm kiếm.
Kể từ năm 1997, Hải quân Mỹ đã bắt tay phát triển loại ngư lôi siêu khoang tương tự VA-111 Shkval của Nga. Tuy nhiên, dường như không có loại vũ khí như vậy được triển khai. Hải quân Mỹ đang nâng cấp ngư lôi Mk48 để đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Năm 2004, nhà thầu quốc phòng Diehl-BGT, Đức tuyên bố đang phát triển ngư lôi siêu khoang Barracuda có thể đạt tốc độ tới 349 km/h. Loại ngư lôi siêu hạng này đã được đưa vào thử nghiệm, tuy nhiên, chương trình này dường như không bao giờ trở thành một vũ khí có thể bán.
Ngư lôi siêu khoang VA-111 tuy có nhược điểm về công nghệ dẫn hướng, độ ồn khi hoạt động rất cao nhưng tốc độ tấn công của nó quá nhanh nên đối phương hầu như không đủ thời gian để đưa ra biện pháp đối phó. Loại ngư lôi “không đối thủ” này tạo ra mối đe dọa lớn cho Hải quân Mỹ mà chưa có giải pháp khắc phục nào hiệu quả.