Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu bão Yagi ảnh hưởng đất liền từ rất sớm

Ngay từ chiều 6/9, khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng của bão. Từ đêm mai, gió mạnh dần, mưa lớn diện rộng.

Vào 16h ngày 5/9, tâm siêu bão trên vùng biển phía bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201 km/h), giật trên cấp 17. Những giờ qua bão di chuyển theo hướng Tây, bắt đầu tăng tốc với vận tốc khoảng 12 km/h.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão Yagi sẽ duy trì cường độ cấp 16, giật trên cấp 17 khi đi vào vùng biển phía đông của đảo Hải Nam trong chiều 6/9. Đến 16h chiều 6/9, tâm bão trên vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 450 km về phía Đông Đông Nam.

Khoảng đêm ngày 6/9, bão vượt qua khu vực phía bắc đảo Hải Nam di chuyển vào vịnh Bắc Bộ. Sáng ngày 7/9, bão bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta với cường độ rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.

Sieu bao Yagi anh 1

Dự báo mới về đường đi và vùng ảnh hưởng của siêu bão Yagi.

Đến 16h ngày 7/9, tâm bão trên đất liền ven bờ từ Quảng Ninh đến Nam Định với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Trong chiều đến đêm ngày 7/9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.

Do vùng mây dông rất rộng, kết hợp với đĩa mây lệch tây nên từ khoảng trưa ngày 6/9, vùng biển phía đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7.

Từ tối và đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 17, biển động dữ dội, sóng cao 2-4 m, sau tăng lên 3-5 m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8 m.

Từ đêm 6/9 và gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11, thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ trưa đến tối ngày 7/9.

Từ đêm 6/9 và gần sáng 7/9, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2-3 m, sau tăng lên 2-4 m, vùng gần tâm bão 3-5 m.

Cũng do ảnh hưởng của bão Yagi, từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350 mm, có nơi trên 500 mm. Mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9, phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7/9 đến đêm 8/9.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.

Bão Yagi hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi của Philippines, mạnh lên thành bão vào đêm 1/9 và đi vào Biển Đông vào sáng 3/9. Trước khi vào Biển Đông, bão tàn phá khu vực miền Bắc và miền Trung của Philippines, gây mưa lớn, gió giật mạnh, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.

Sau khi đi vào Biển Đông, nhờ điều kiện vô cùng thuận lợi với mặt biển ấm, đứt gió yếu và nguồn năng lượng dồi dào, Yagi trở thành cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024, tính đến thời điểm này. Đây cũng là cơn bão có thời gian tăng cấp nhanh nhất từng ghi nhận tại Biển Đông.

Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.

https://tienphong.vn/sieu-bao-yagi-anh-huong-dat-lien-tu-rat-som-post1670105.tpo

Nguyễn Hoài/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm