Buổi sáng tháng 7 tại trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cái nóng của mảnh đất Nam Trung Bộ khiến những người lớn cũng phải mệt nhoài vì mất nước và nắng nóng.
Chụm đầu vào tờ giấy khổ A3, nhóm 5 em học sinh sôi nổi với những ý tưởng siêu anh hùng của riêng mình. Những "binh sĩ nhí", với vũ khí là bút, sách và trí tưởng tượng vô tận của mình. Những siêu anh hùng các em tạo ra sẽ gánh vác trọng trách đẩy lùi tác động của biến đổi khí hậu và hiệu ứng thời tiết cực đoan.
Các em đang tham gia buổi lễ phát động cuộc thi "Trẻ em sáng tác nhân vật Siêu anh hùng đẩy lùi thiên tai và biến đổi khí hậu" do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam tổ chức.
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận được chọn là nơi bắt đầu chiến dịch truyền thông cho cuộc thi. Ảnh: Sơn Hà. |
Những ước mơ đơn giản
Hơn 40 em học sinh, từ lớp 5 đến lớp 9, ai nấy đều phấn khởi vì được gặp đoàn chuyên viên của UNICEF cùng với người thầy đã dạy các em làm video về biến đổi khí hậu cách đây vài tuần. Mồ hôi chảy dài trên má, những đôi mắt long lanh hướng theo từng cử chỉ của các nhân viên UNICEF, không khi nào nụ cười tắt trên môi các em.
Lắng nghe các em nói về những mơ ước, hoài bão của mình mới nhận ra khí hậu của mảnh đất đầy nắng, gió và cát này đáng sợ thế nào. Nhiều em có ước mơ lớn lao như đồi trọc đầy cát của địa phương mình sẽ được phủ xanh bằng cây cối. Có em muốn có khả năng điều khiển được thời tiết để người dân nơi các em sống không phải chịu nắng nóng quanh năm.
Lại có những em chỉ mơ điều rất giản dị, mong muốn hàng ngày các bạn nhớ đem nước đi để uống.
"Ở trường chúng con nhiều khi không có đủ nước để cho tất cả các bạn. Nhiều bạn bị khát vì không có nước để uống", em Kiều Như Tiên, học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói với giọng rụt rè.
Các em học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm hào hứng với các ý tưởng siêu anh hùng. Ảnh: Sơn Hà. |
Hí hoáy với cây bút dạ vừa được phát, Tiên vẽ một siêu nhân xanh nước biển khổng lồ với 2 bàn tay có thể phun ra nước. Em giải thích: "Con muốn siêu anh hùng của chúng con có khả năng phun ra nước sạch để mọi người ở đây không bị thiếu nước, các bạn con có nước uống thoải mái".
Các bạn cùng nhóm của Tiên phá lên cười khiến em ngại ngùng nhưng ai cũng hiểu đó là ước mơ rất chân thật của em.
Chia sẻ với Zing.vn, đại diện của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết có những lúc địa phương này thiếu nước trầm trọng.
"Có những năm cao điểm khô hạn như 2015, cả tỉnh không có một trận mưa nào. Nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa nơi chưa đưa đường ống dẫn nước vào được, các em học sinh, giáo viên đều phải dùng nước giếng hoặc xe bồn chở nước từ nơi khác đến", vị này chia sẻ.
Thầy Mai Thanh Minh, giáo viên dạy địa lý trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: "Các em ở đây chịu nhiều vất vả bởi khí hậu khắc nghiệt, nhưng ai cũng phấn khởi cũng vui vẻ. Đối với nhiều trẻ em, biến đổi khí hậu là thứ gì đó rất xa vời, rất lớn lao. Nhưng ở đây, cuộc sống các em hàng ngày, hàng giờ đang chịu tác động của biến đổi khí hậu".
Thầy Minh cho biết không chỉ hạn hán, biến đổi khí hậu còn dẫn đến thiên tai, bão lũ. Các em học sinh ở đây hoàn toàn không lạ lẫm với những chuyện như vậy, các em đều hiểu tác hại và nguy cơ từ biến đổi khí hậu lớn thế nào.
Các em học sinh xem lại thành quả của mình. Ảnh: Sơn Hà. |
Tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương chứng kiến tác động ghê gớm của biến đổi khí hậu nhất trong cả nước.
Ở Ninh Thuận, mùa khô kéo dài đến 9 trên 12 tháng một năm, lượng mưa bình quân có vùng chỉ đạt 300-400 mm/năm. Thậm chí, trong một hội thảo về biến đổi khí hậu, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, xem Ninh Thuận là vùng đất điển hình về tác động của biến đổi của khí hậu.
Siêu anh hùng "made in Việt Nam"
Trao đổi với Zing.vn, ông Louis Vigneault-Dubois, Trưởng chương trình truyền thông UNICEF Việt Nam, cho biết biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, điều cần thiết bây giờ không chỉ là nâng cao hiểu biết cho trẻ em mà còn giúp trẻ nhận ra được chúng có thể làm gì và làm thế nào để khắc phục tình trạng này.
"Khi chúng ta cổ vũ trẻ em, chúng ta tin tưởng vào những ý tưởng, khả năng của trẻ tức là chúng ta đã tạo cho trẻ lòng tự trọng, khiến các em tin vào chính bản thân mình. Dạy cho trẻ cách bảo vệ ý kiến của mình và biến ý tưởng đó thành hành động thực sự", ông Dubois nói.
Đại diện phụ trách truyền thông của UNICEF Việt Nam cho rằng trẻ em ngày nay đã hiểu được nhiều hơn về những hành động của con người hôm nay có thể để lại hậu quả lớn thế nào đến tương lai.
"Các em đã hiểu được việc chặt phá rừng khiến môi trường, khí hậu thay đổi thế nào. Việc sử dụng các đồ nhựa khó phân hủy có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sinh vật kinh khủng thế nào. Trong tương lai, có thể chính người lớn phải học các em về ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường sống", ông Dubois chia sẻ.
Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý tham gia với vai trò gương mặt đại diện của chương trình. Ảnh: Sơn Hà. |
Đồng quan điểm, ca sĩ, nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý, nghệ sĩ đồng hành cùng UNICEF, chia sẻ cô cảm thấy vui và hào hứng khi trẻ em ở những vùng khí hậu khắc nghiệt như Ninh Thuận có thể chung tay góp sức vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
"Lý đã thấy bất ngờ khi các em am hiểu và lo lắng đến vấn đề biến đổi khí hậu nhiều đến thế. Siêu anh hùng là điều tưởng tượng, không thực, nhưng đó là điều chúng ta mong muốn từ các em. Trí tưởng tượng là thứ quý giá nhất của các em lúc này", ca sĩ Lê Cát Trọng Lý chia sẻ.
Về cuộc thi, tất cả trẻ em từ 10-15 tuổi trên khắp Việt Nam đều có thể tham gia cuộc thi vẽ tranh nhân vật Siêu anh hùng đẩy lùi thiên tai và biến đổi khí hậu, cũng như kể một câu chuyện về nhân vật của mình.
Giải nhất của chương trình trị giá 15 triệu đồng,