Chỉ trong 6 tháng đầu năm, hàng loạt vụ đuối nước tập thể xảy ra. Các vụ việc xảy ra đa số với các em học sinh khi tắm sông, hồ hay biển mà không có người lớn giám sát.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, nói Việt Nam là một trong những nước có hệ thống sông ngòi đa dạng, phong phú. Hệ thống sông, kênh rạch dày đặc cũng tăng nguy cơ, rủi ro cho trẻ nhỏ.
"Các em thường rủ nhau ra sông, ra hồ bơi lội. Khi vào mùa hè, các em được nghỉ, thiếu sự giám sát của thầy cô, bố mẹ nên tỷ lệ đuối nước thời gian này cao", ông Sơn lý giải.
Nhiều trẻ em chọn các con sông, hồ gần nhà để bơi lội. Ảnh: Hoàng Đông. |
Theo ông Sơn, dạy bơi cho trẻ là việc quan trọng. Tuy nhiên, không phải trẻ biết bơi là đã an toàn. Ở một số vụ việc, chính những em biết bơi lại là người gặp nạn.
"Người lớn đi ra biển, ra sông bơi rất giỏi nhưng vẫn chết đuối. Hay có trường hợp các em biết bơi xuống sông tắm thì bị chết đuối, những em không biết bơi, ngồi trên bờ thì sống sót", ông Sơn nói.
Theo ông, ngoài việc được dạy bơi, trẻ cần được dạy những kỹ năng phòng tránh các rủi ro, nhận biết nguy hiểm. Những kỹ năng này rất quan trọng.
Hiện, những nơi vui chơi, giải trí có sự an toàn cho trẻ đang thiếu, nhất là nông thôn. Trong khi đó, việc giải quyết chỗ vui chơi cho trẻ là công việc khó khăn, đòi hỏi đầu tư lớn...
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình, mỗi năm ở Việt Nam có trên 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Việt Nam được xem là quốc gia có tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao nhất thế giới.