Giao diện của ChatGPT. Ảnh: Shutterstock. |
Tháng 11/2022, công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI đã khiến cả thế giới trầm trồ khi ra mắt phiên bản thử nghiệm của chatbot AI có tên ChatGPT. Công cụ AI này có thể trả lời mọi câu hỏi của người dùng, viết luận, làm thơ, lập trình… y như người thật.
Mới đây, sau khi cán mốc 100 triệu người dùng, startup OpenAI vừa công bố phiên bản ChatGPT Plus với giá 20 USD/tháng.
Những người đăng ký dịch vụ tính phí của ChatGPT sẽ có thể truy cập chatbot AI này bất cứ lúc nào, đồng thời nhận được phản hồi nhanh hơn cùng với những tính năng mới, độc quyền. Đương nhiên, người dùng vẫn có thể sử dụng phiên bản miễn phí như bình thường. Tuy nhiên, số lượng người truy cập miễn phí sẽ bị giới hạn trong thời gian cao điểm.
“Chúng tôi yêu quý những người dùng miễn phí và vẫn sẽ phát hành ChatGPT miễn phí. Với gói dịch vụ tính phí, chúng tôi sẽ có thể cung cấp truy cập miễn phí đến nhiều đối tượng nhất có thể”, đại diện OpenAI nói.
ChatGPT nổi lên nhờ khả năng nói chuyện như con người, viết luận văn, tạo lập code... Ảnh: Shutterstock. |
The Verge nhận định phiên bản ChatGPT Plus tính phí đã mở ra một tiêu chuẩn mới cho những chatbot AI sắp ra mắt trong thời gian tới. Nếu muốn ra mắt một chatbot và thu phí cao hơn 20 USD/tháng, các đối thủ khác phải chứng minh mình vượt trội hơn ChatGPT Plus, kẻ hiện đi đầu trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho thấy ban đầu OpenAI dự tính công bố phiên bản thu phí cho ChatGPT với mức giá 42 USD/tháng. Đây là một mức giá khá cao cho người dùng phổ thông, không kinh doanh hay thu lợi từ công cụ AI này.
Hiện, ChatGPT Plus sẽ chỉ dành riêng cho người dùng tại Mỹ. Người dùng sẽ phải đăng ký vào danh sách chờ và sẽ được mời trải nghiệm dịch vụ tính phí của chatbot AI trong vài tuần tới, OpenAI cho biết. Startup AI nói rằng sẽ tiếp tục thử nghiệm các gói dịch vụ giá rẻ, gói dành cho doanh nghiệp, gói dựa trên dữ liệu… để đáp ứng nhu cầu đa dạng.
OpenAI từng có ý định thu phí 42 USD/tháng cho người dùng ChatGPT Plus. Ảnh: Zahid Khawaja. |
Theo New York Times, ChatGPT chính là chatbot nổi bật nhất, thu hút được cả giới công nghệ, kinh doanh và sự quan tâm của công chúng. Ngay cả những ông lớn công nghệ như Google, Meta hay các startup nhỏ khác cũng chỉ manh nha theo sau với những chatbot tương tự.
Sau hàng thập kỷ nghiên cứu, những chatbot thông minh như ChatGPT xuất hiện và thay đổi cách thức vận hành của những phần mềm máy tính trước đây. Chatbot đang có xu hướng thế chân những công cụ tìm kiếm đình đám như Google Search, Bing, có khả năng biến thành những cô trợ lý ảo như Alexa, Siri và thay thế trình soạn email như Gmail, Outlook.
ChatGPT còn có thể tạo lập những văn bản theo yêu cầu, mô tả khái quát của người dùng. Tận dụng khả năng này, nhiều học sinh đã sử dụng chatbot để viết luận, làm bài tập hộ. Các doanh nghiệp dùng ChatGPT để viết email và sáng tạo những nội dung quảng cáo…
Tuy nhiên, công nghệ này cũng không tránh khỏi những mặt trái. Vì được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu khổng lồ có trên Internet, các chatbot này dường như không thể phân biệt giữa tin giả và sự thật. ChatGPT còn tạo ra những nội dung kỳ thị giới và phân biệt chủng tộc.
Ở thời điểm hiện tại, ChatGPT hiện vẫn hạn chế truy cập từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, đa số cá nhân có nhu cầu sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận ChatGPT.
Bên cạnh đó, quy trình đăng ký tài khoản chatbot này khá phức tạp, tốn thời gian với người dùng Việt Nam. Họ cần dùng VPN, mua số điện thoại ảo để gửi mã OTP đăng nhập nếu muốn sử dụng. Hiện tại, một số hội nhóm trong nước có chia sẻ các tài khoản đã được kích hoạt để mọi người có cơ hội trải nghiệm.
Xuất bản học thuật phủ nhận tác quyền của ChatGPT
Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.