Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siết chi phí quảng cáo 'trói tay' doanh nghiệp nội

Quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị... không quá 10% từ lâu đã không được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đồng tình.

Siết chi phí quảng cáo 'trói tay' doanh nghiệp nội

Quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị... không quá 10% từ lâu đã không được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đồng tình.

Đỉnh điểm của sự bức xúc này đã xảy ra khi ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hội đồng Thành viên tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - mới đây đã kịch liệt phê phán cho rằng quy định này đang “tiêu diệt” doanh nghiệp trong nước.

 

Việc khống chế chi phí quảng cáo, theo nhiều doanh nghiệp, đang khiến họ không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, với quy định hiện nay, doanh nghiệp mới thành lập trong ba năm đầu đã được chi cho quảng cáo, tiếp thị đến 15% và được tính vào chi phí hợp lý trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này nhằm giúp những doanh nghiệp mới có điều kiện quảng bá, tiếp thị để tiếp cận người tiêu dùng. Thừa nhận quy định hạn chế mức chi cho quảng cáo chỉ được đến 10% như hiện nay có nhiều doanh nghiệp không đồng tình vì hạn chế khả năng quảng bá để nâng doanh thu, nhưng vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng cần tính một cách tổng thể. Bởi nếu “thả”, không khống chế chi phí quảng cáo nữa thì nhiều hãng nước ngoài, công ty đa quốc gia có thể tăng rất mạnh chi phí quảng cáo. Hiện nay, một số sản phẩm như sữa, chi phí quảng cáo, tiếp thị cao tính vào giá thành khiến người tiêu dùng phải chịu.

Hiện Bộ Tài chính đang trình dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, theo đó sẽ nâng mức chi cho quảng cáo tới 15% tổng chi phí. Việc quyết định mức nào hay bãi bỏ hẳn, theo vị lãnh đạo Bộ Tài chính, sẽ thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Phát biểu tại hội thảo “cạnh tranh lành mạnh bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt”, tổ chức ngày 14/5 ở Hà Nội, ông Phan Đăng Tuất cho biết, hiện tổng công ty của ông đang gặp khó vì quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị... không được quá 10% chi phí thực tế phát sinh trong kỳ (tức chi quảng cáo không được quá 10% tổng chi phí hợp lý được trừ trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp). Ông Tuất cho rằng, quy định này góp phần “tiêu diệt” doanh nghiệp trong nước. Lý giải điều bất cập này, ông Tuất phân tích: chi phí thực tế phát sinh trong kỳ chỉ biết được khi đã kiểm toán (thường vào ngày 31/3 năm sau, riêng tổng công ty lớn như Sabeco có thể tháng 4 mới xong). Nên trong năm doanh nghiệp không biết sẽ được chi bao nhiêu, phải rất cẩn trọng bởi nếu lạm chi thì sẽ bị xử lý.

Ông Tuất cho biết thêm, quản ở khâu chi phí là cách quản lý ở thời kỳ cổ điển. Đáng lý cần quản ở doanh thu thì sẽ kích thích doanh nghiệp tạo nhiều lợi nhuận. Nếu quản ngay từ phí, ta có bằng chứng sinh động: chẳng hạn phí chuyển nhượng ôtô cao người ta không chuyển nhượng, không sang tên đổi chủ. Hạ phí ở mức người ta chấp nhận được thì Nhà nước quản được, nguồn thu lại tăng. Doanh nghiệp, nhất là ngành bia, nếu cứ khống chế 10% chi phí quảng cáo như thế này là “bó tay” chúng tôi. Nếu vẫn áp dụng thế này, khoảng 10 năm nữa các hãng nước giải khát trong nước bằng cách này cách khác sẽ thui chột.

Vì vậy, tôi cho rằng các vị làm chính sách cần ngồi lại với nhau bàn lại. Quy định hạn chế ở mức 10% hiện nay và trước đây là 7% tôi đã nói cách đây tám năm là không nên. Bây giờ lại bàn nhích lên 15% vẫn chưa thỏa đáng.

Quy định như thế, doanh nghiệp như chúng tôi không đủ chi phí quảng cáo, có thể phải “gian” chi phí để nâng mức được phép lên. Nếu để giữ thương hiệu cho Việt Nam, phải cho 30% may ra mới cạnh tranh được, bởi các hãng nước ngoài hiện họ chi 20% doanh thu. Ở Việt Nam được đăng ký ba hệ thống kế toán. Duy hệ thống kế toán Việt Nam quy định cái đó, còn hệ thống kế toán Anh, Mỹ không quy định, miễn có hóa đơn là được tính chi phí. Nếu quản lý nhà nước đã khống chế, phải dõi theo từng ngành. Bởi có ngành cần 30%, nhưng có ngành chỉ cần 2%. Nếu cào bằng, doanh nghiệp cần quảng cáo sẽ chết, còn doanh nghiệp không cần thì lợi.

Ông Đỗ Kim Dũng (Phó chủ tịch hiệp hội Quảng cáo Việt Nam): Hầu hết các nước đều không áp dụng

Để có thị phần, doanh nghiệp phải đầu tư cho phần mềm, trong đó phải có chi tiền để kích hoạt thương hiệu, quảng cáo chính là đầu tư về mặt chiến lược. Cần hiểu 10% với một sản phẩm đang lưu hành và quen thuộc trên thị trường là lớn nhưng với một sản phẩm mới, nhãn hiệu mới thì không thể chi 10% để có thị phần. Việc phát triển một nhãn hiệu mới hoàn toàn với một sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và doanh số của một sản phẩm mới khó có thể so bì với một sản phẩm đã được ưa thích. Nếu khống chế thì các doanh nghiệp đi sau không có cơ hội tăng thị phần, không đủ năng lực để tăng cường sức cạnh tranh của mình, khống chế chi phí quảng cáo chả khác gì tiêu diệt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước.

Trên thế giới đã phổ cập khuynh hướng không khống chế mức phí trong quảng cáo, chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc duy trì quy định này. Con số 10, 15 hay thậm chí 30% không nên tồn tại vì bản thân nó chẳng giải quyết được gì.

Ông Trần Bảo Minh (Giám đốc điều hành phụ trách chiến lược kinh doanh, marketing công ty cổ phần Sữa quốc tế - IDP): Ngồi nhìn doanh nghiệp nước ngoài lấy thị phần

Chi phí quảng cáo không chỉ đơn giản là trên truyền hình, quảng cáo ngoài trời mà còn bao gồm cả khuyến mãi, tặng quà cùng nhiều hoạt động khác. Trong thời buổi hiện nay, khi tất cả chi phí dành cho quảng cáo đều tăng nhưng sức mua thị trường, cạnh tranh giữa các thương hiệu ngày càng cam go thì số tiền chi cho quảng cáo nếu tính ở trong mức khống chế chả đáng là bao.

Vì vậy, khống chế chi phí quảng cáo là tự đè doanh nghiệp trong nước, chẳng khác gì bắt họ phải ngồi nhìn doanh nghiệp nước ngoài lấy thị phần. Có những thương hiệu nước ngoài khi mới vào thị trường Việt Nam sẵn sàng chi đến 30-40% doanh số dành cho quảng cáo với mục tiêu giành thị phần càng nhanh càng tốt. Họ có thể chịu đựng chính sách này đến 2-3 năm với nguồn tiền rót từ công ty mẹ ở nước ngoài. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam lại bị bó buộc với mức khống chế, loay hoay làm quảng cáo với số tiền ít ỏi. Chưa kể 10% doanh số của doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ giá trị chênh lệch nhau rất nhiều. Vô hình trung, cơ hội vươn lên của doanh nghiệp nhỏ bị mất.

Ông Huỳnh Kiến Nam (Giám đốc công ty mỹ phẩm Gia Đình): Doanh nghiệp nhỏ cũng bị hạn chế

Doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi chỉ dám sử dụng những phương thức quảng cáo truyền thống như thông qua các hội chợ, khuyến mãi tại điểm bán... hoặc đi về các tỉnh, chưa thể chi tiền để xuất hiện trên truyền hình nhưng đã cảm thấy áp lực với mức khống chế 10% trong quảng cáo. Đơn giản như thực hiện khuyến mãi tại siêu thị, các siêu thị luôn yêu cầu doanh nghiệp phải giảm sâu và hấp dẫn nhưng chúng tôi không thể làm vì như vậy sẽ không còn ngân sách để làm các chương trình khác. Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia có thể khuyến mãi khủng và người tiêu dùng nhanh chóng bị thu hút.

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm