Bốn sĩ quan của quân đội Trung Quốc, bao gồm một tướng đang làm nhiệm vụ ở đặc khu hành chính Hong Kong, đã lên hàng không mẫu hạm USS George Washington trước khi tàu cập cảng Hong Kong vào ngày 16/6, AFP đưa tin.
Một số phản lực cơ chiến đấu F/A-18 Super Hornet trình diễn màn cất cánh và đáp xuống tàu sân bay để các vị khách chiêm ngưỡng.
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ cách cảng Hong Kong 300 km hôm 15/6. Ảnh: AFP |
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại Biển Đông và Biển Hoa Đông - nơi Bắc Kinh tranh chấp các rạn san hô và đảo với đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Philippines.
Tuy nhiên, Chuẩn đô đốc Mark C. Montgomery, người chỉ huy cụm tàu chiến do hàng không mẫu hạm USS George Washington dẫn đầu, khẳng định mối quan hệ quân sự Trung Mỹ đã cải thiện trong 6 tháng qua. Ông cho rằng Trung Quốc cũng nên "đáp lễ" bằng cách mời sĩ quan Mỹ tham quan tàu sân bay duy nhất của họ.
"Tôi nghĩ chuyến tham quan là một nỗ lực nhằm tăng sự minh bạch trong mối quan hệ đối tác song phương giữa hai nước. Đó cũng là thời điểm thích hợp Trung Quốc mời Hải quân Mỹ thăm tàu sân bay Liêu Ninh”, Montgomery nói.
Montgomery kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
"Về nguyên tắc, Hải quân Mỹ sẽ đóng vai trò là lực lượng ổn định tình hình và thể hiện cam kết của chúng tôi đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông nói.
Tuần trước Trung Quốc tuyên bố họ sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân "Vành đai Thái Bình Dương" do Mỹ tổ chức vào cuối tháng 6.
Hàng không mẫu hạm, tàu chiến của Mỹ là những loại phương tiện quân sự khá quen thuộc với giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc. Hồi tháng 5, Thượng tướng Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tham quan tàu sân bay hạt nhân Ronald Reagan trong chuyến thăm Mỹ. Giới phân tích nhận định, những nỗ lực tăng cường tiếp xúc giữa giới lãnh đạo quân sự Mỹ và Trung Quốc có thể giúp hai bên ngăn chặn xung đột từ những vụ va chạm trên biển.
Chiến hạm Mỹ thường xuyên thăm Hong Kong hàng năm. Hải quân Mỹ vẫn duy trì truyền thống này sau khi Hong Kong trở về với Trung Quốc vào năm 1997.