Tờ Nhật báo phố Wall đưa tin hai tiểu đoàn lực lượng Quds, nhánh hoạt động ở nước ngoài của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, đã tới Iraq trong ngày 11/6 để hỗ trợ quân đội giành lại quyền kiểm soát 85% thành phố Tikrit, quê hương nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Ngoài ra, các binh sĩ Iran cũng đang hỗ trợ quân đội Iraq bảo vệ thủ đô Baghdad và hai thành phố thánh địa của người Hồi giáo dòng Shiite trước sự đe dọa các chiến binh dòng Sunni.
Mỹ xem xét khả năng hỗ trợ quân đội Iraq bằng không quân. Ảnh: RT |
Hiện tại, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) đang giành quyền kiểm soát nhiều thành phố ở Iraq bằng vũ lực. Nó đặt ra nhiều thách thức đối với chính phủ của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki và các đồng minh, trong đó “nặng gánh” nhất là Mỹ.
Những cuộc tấn công của ISIL khiến nước Mỹ phải tìm giải pháp. Sáng ngày 13/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông để ngỏ mọi khả năng để đẩy lui những tay súng nổi dậy ở miền bắc Iraq. Chính quyền và quan chức an ninh Mỹ đang thảo luận về các giải pháp quân sự nhằm hỗ trợ Baghdad.
Một ngày sau tuyên bố của Obama, thư ký báo chí Nhà Trắng, ông Jay Carney, khẳng định Mỹ không đưa quân trở lại Iraq. Tuy nhiên, Washington đang xem xét khả năng hỗ trợ Iraq bằng những đợt không kích. Sự hiện diện của chiến đấu cơ Mỹ sẽ giúp đẩy lui những tay súng nổi dậy khỏi thành trì của họ.
Nếu Washington hỗ trợ quân đội Iraq, Mỹ và Iran sẽ cùng chiến đấu chống một kẻ thù. Tuy nhiên, Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, sau khi sinh viên Iran xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran và gây ra cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày. Mỹ dẫn đầu những nỗ lực quốc tế nhằm trừng phạt nhà nước Cộng hòa Hồi giáo vì chương trình hạt nhân của Tehran.
Do hơn 95% dân số Iran là người Shiite nên dưới thời Saddam Hussein (người Hồi giáo dòng Sunni nắm quyền lãnh đạo Iraq), Iran và Iraq coi nhau là kẻ thù. Trong cuộc chiến tranh từ năm 1980 tới năm 1988, hai bên đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công nhau. Mỹ đứng về phía Iraq trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, mối quan hệ Baghdad – Washington đổi chiều khi Mỹ xâm lược Kuwait năm 1990, dẫn tới cuộc chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên. Chính quyền Saddam Hussien sụp đổ trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai vào năm 2003.
Khi người Hồi giáo dòng Shiite trở lại nắm quyền ở Iraq, Tehran và Baghdad thiết lập mối quan hệ đồng minh thân thiết. Lực lượng Quds hoạt động ở Iraq trong nhiều năm, thực hiện nhiệm vụ đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng dân quân người Shiite. Hiện nay, lực lượng này đang bảo vệ các thành phố Iraq trước những cuộc tấn công của tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant.