*Dưới đây là bài phân tích của hot Facebooker Nguyễn Ngọc Long gửi Zing.vn:
Vừa qua, Tuấn Hưng làm nóng mạng xã hội khi đăng status gây tranh cãi rồi xóa. Anh không ngần ngại tag cả các nghệ sĩ đàn anh đàn chị và thậm chí "đe" sẽ tung hê chuyện quá khứ. Sau đó, anh khóc trên sóng truyền hình và kết thúc với tuyên bố đóng Facebook cá nhân vì "không chịu nổi áp lực từ dư luận".
Sau tranh cãi với Mỹ Linh và ban tổ chức Bài hát yêu thích, Tuấn Hưng tuyên bố đóng cửa Facebook. |
Thực tế, Tuấn Hưng có phải là người dễ gục ngã trước thị phi như vậy hay không? Những người thường làm việc với Tuấn Hưng sẽ có câu trả lời chính xác. Nhưng ít nhất, cách hành xử như vậy hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh "chuẩn men" mà Tuấn Hưng xây dựng bấy lâu nay. Mà lỗi lớn, là do Facebook!
Nhiều nghệ sĩ vẫn giữ lề thói cũ, cho rằng Facebook là nơi chốn riêng tư, chẳng sợ gì. Nhưng trong thực tế, dù cũng được coi là một phần ở "hậu trường", nhưng đó lại trở thành một nơi được dư luận quan tâm nhiều hơn sân khấu chính. Thế mới buồn cười. Nhưng đừng cho là lạ!
Chẳng phải từ trước đến giờ, chuyện đời tư, bí mật vẫn luôn là thứ được công chúng quan tâm nhất hay sao? Ngày trước, người ta "hóng mạnh" những chuyện này trên các tạp chí được coi là "lá cải". Ngày nay, Facebook mới là thứ lá cải nhất trên đời.
Ở chốn này, nghệ sĩ đã lột đi hết các lớp hoá trang, chẳng còn đèn mầu sân khấu, chẳng còn lung linh huyền ảo. Nghệ sĩ trở về con người thật của chính mình (còn những ai vẫn diễn trên "phây" thì không tính, vì như thế "phây" của họ cũng chẳng được quan tâm). Và đó là lý do, người ta cứ muốn "hóng" trên phây nghệ sĩ. Mà càng nhiều người hóng, facebook nghệ sĩ càng mất đi ý nghĩa riêng tư.
Ngày trước, báo chí và các phương tiện truyền thông chính thống là con đường duy nhất mang lại ánh hào quang cho nghệ sĩ. Nếu không được truyền thông quan tâm, nghệ sĩ cứ yên tâm mà... đi xuống! Ngày nay, truyền thông xã hội giúp nghệ sĩ có cách thức riêng để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
Thực tế chứng minh, "cuộc chiến" đã đảo chiều. Rất nhiều ngôi sao đi lên từ mạng xã hội và báo chí buộc phải quan tâm và đưa tin "ngược lại". Facebook cá nhân (hoặc fanpage được chăm chút) trở thành một công cụ tạo ra quyền lực thực sự cho người nghệ sĩ, mang đến sức ảnh hưởng vượt ra bên ngoài sân khấu.
Nhưng đáng tiếc, nếu coi Facebook như một thứ vũ khí hạng nặng có tính sát thương cao, thì nghệ sĩ của chúng ta lại chưa được học cách làm chủ và sử dụng nó một cách an toàn. Thế nên, rất dễ hiểu khi các vụ scandal bắt nguồn từ Facebook chưa có nguy cơ hạ nhiệt.
Một trong những nguyên tắc căn bản nhất của Facebook là tính lan truyền nhanh hơn điện xẹt. Trên facebook không có khái niệm nói sai nói nhầm nói lại. Lời bạn vừa nói, chữ bạn vừa viết, có khi bạn còn đang suy nghĩ xem có nên tháo xuống hay không thì nó đã tung bay đi khắp nơi mất rồi.
Thế nên, nguyên tắc tiếp theo là học cách xin lỗi. Vì ai cũng có sai lầm, ai cũng có những khi nóng giận. Mà giận quá mất khôn là chuyện hết sức bình thường. Nói sai thì nói lại, nhưng đừng bao giờ phủ nhận và tìm cách xoá sạch những gì mình đã phát ngôn.
Nguyên tắc thứ ba là hãy quên đi cách xử lý kiểu truyền thống là nhờ báo chí vào cuộc và đính chính. Hãy bình tĩnh suy xét, lập một kế hoạch rõ ràng cho các phát ngôn tiếp theo khi chẳng may vạ miệng. Nếu có thể, hãy nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn cho mình. Sau đó khéo léo đưa ra các "status" để điều hướng truyền thông và dư luận.
Thực sự, đó là cách đơn giản nhất và luôn có tác dụng. Nhờ có mạng xã hội, các nghệ sĩ có thể giải thích cho lời nói của mình, có thể "nghe" được dư luận từ chính comment của khán giả. Trường hợp nghệ sĩ tháo chạy bằng cách đóng "phây", họ cứ tưởng đó là cách hay, nhưng kì thực không phải vậy. Bởi vì khán giả chẳng được nghe anh nói thì họ sẽ lại xúm vào chỗ khác hóng tin. Mà ở cái chỗ khác đó, anh làm sao kiểm soát đúng sai?
Điều cuối cùng, đừng đòi hỏi những người tham gia mạng xã hội phải tử tế với mình. Đó là mong muốn hoang tưởng! Chính anh phải yêu lấy bản thân anh trước, bằng việc học cách chấp nhận thị phi.
Vì vậy, hãy bình thản đón nhận những tai nạn trên Facebook và nên coi nó như một cơ hội để phủ sóng hình ảnh của mình bằng những đính chính khôn ngoan, hơn là né tránh hoặc hờn dỗi đóng "phây".
Nguyễn Ngọc Long là một Blogger nổi tiếng. Anh là người sáng lập câu lạc bộ truyền thông Trăng Đen và hiện chuyên tư vấn giải quyết khủng hoảng truyền thông cho các công ty.