Trước đêm diễn Voyage của nhóm nhạc ABBA, mở màn tại London ngày 27/5 và sẽ kéo dài tới tháng 11/2023, thành viên Björn Ulvaeus (77 tuổi) mong muốn khán giả "trải qua cảm giác mà họ chưa từng thấy trước đây".
Trên sân khấu, 4 thành viên ABBA xuất hiện dưới dạng kỹ thuật số, mô phỏng phiên bản của chính họ từ thời hoàng kim nhờ công nghệ bắt chuyển động (motion capture). Những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và fan hâm mộ khiến ê-kíp lên kế hoạch tổ chức các liveshow tương tự trên khắp thế giới.
Hiệu ứng ấn tượng
"Ngoài ban tổ chức, không ai biết họ đã tích hợp ảnh đại diện ảo vào các màn trình diễn như thế nào", Sarah Cox, Giám đốc công ty tư vấn kỹ thuật sự kiện Neutral Human cho biết. Bà khẳng định bị choáng ngợp với độ chi tiết, chân thực từ ảnh đại diện 3D của các thành viên nhóm nhạc.
"Bạn nhìn xung quanh và mọi người thực sự tin rằng ABBA đang xuất hiện trên sân khấu", Cox chia sẻ.
Sau đêm đầu tiên, nhu cầu thưởng thức ABBA Voyage rất cao. Theo CNBC, các đêm diễn được tổ chức liên tục đến tháng 11/2023 và có thể kéo dài. Ê-kíp sản xuất thậm chí lên kế hoạch đưa liveshow đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Hình ảnh kỹ thuật số của các thành viên nhóm nhạc ABBA biểu diễn trước khán giả trong đêm nhạc Voyage. Ảnh: ABBA Voyage. |
"Tham vọng của chúng tôi là tổ chức những đêm diễn ABBA Voyage khác, có thể tại Bắc Mỹ, châu Úc hay châu Âu. Chúng tôi có thể dựng sân khấu và chương trình giống hệt (như tại London)", Svana Gisla, đại diện nhà sản xuất cho biết.
Bà mong muốn thành công của ABBA Voyage có thể tạo cảm hứng cho những chương trình tương tự.
"Bản thân công nghệ này không mới, nhưng cách sử dụng trên quy mô lớn, vượt qua rào cản lại mới mẻ. Tôi hy vọng những chương trình khác sẽ làm theo và có kế hoạch đó", Gisla chia sẻ.
Kín tiếng về công nghệ
Địa điểm tổ chức Voyage, có tên ABBA Arena được dựng tại Stratford, phía đông London với sức chứa 3.000 người. Bên trong gồm sân khấu, 3 khối ghế ngồi, sàn đứng và buồng khiêu vũ. Trần nhà chứa hệ thống chiếu sáng động học, được công ty thiết kế sân khấu WHITEvoid mô tả "lớn nhất thế giới".
Khán phòng được xây dựng trên bệ nâng cách mặt đất khoảng 1 m, có thể tháo rời và chuyển đến địa điểm mới, hoặc giữ nguyên để tổ chức các show diễn khác trong tương lai.
ABBA Arena, địa điểm tổ chức show nhạc Voyage tại London (Vương quốc Anh). Ảnh: STIRworld. |
Công đoạn khó nhất của chương trình là tạo hình thành viên ABBA biểu diễn các ca khúc kinh điển trong hơn 90 phút. Không chỉ hát, ảnh đại diện ảo của các thành viên cần tương tác, nói chuyện với khán giả như người thật.
Nhà sản xuất mất 5 năm, tiêu tốn 174,9 triệu USD để tạo ra chương trình hoàn thiện. Theo Gisla, ban tổ chức cần thu hút khoảng 3 triệu khán giả để hòa vốn, với giá vé trung bình khoảng 90 USD.
Sau khi chọn bài hát và trang phục, các thành viên ABBA dành 5 tuần để biểu diễn trong trang phục chuyển động. Hàng trăm nghệ sĩ hiệu ứng mất thêm 2 năm để thiết kế hình ảnh chân thực nhất của nhóm nhạc Thụy Điển dưới dạng kỹ thuật số. Góp công lớn là Industrial Light & Magic, công ty hiệu ứng hình ảnh của Mỹ được sáng lập bởi nhà sản xuất George Lucas.
Ê-kíp sản xuất khá kín tiếng về cách áp dụng công nghệ trong show diễn, nhưng xác nhận không sử dụng chùm laser tạo ảnh 3D. Đây là công nghệ từng được dùng để dựng hình ảnh rapper quá cố Tupac Shakur trong một liveshow năm 2012.
Voyage sử dụng màn hình cao 10 m với 65 triệu điểm ảnh, có thể chiếu mô hình các thành viên trình diễn ở kích thước thật trên sân khấu, hiệu ứng 3D được render theo thời gian thực. Những màn hình xung quanh sân khấu chiếu cận cảnh nghệ sĩ biểu diễn, tương tự các show nhạc thông thường.
Các thành viên ABBA trong trang phục bắt chuyển động. Ảnh: ABBA Voyage. |
Theo Gisla, các máy chủ được tinh chỉnh hiệu năng đến mức cao nhất để xử lý hình ảnh mượt mà, không giật. Dù vậy, bà vẫn chưa hài lòng về độ sắc nét của màn hình, cho biết đó là điều cần được cải thiện.
Với hiệu năng và tốc độ render đồ họa ngày càng nhanh, Gisla cho rằng sẽ đến lúc "Benny và Bjorn ngồi ở nhà, kết nối với ảnh đại diện trên sân khấu" để trò chuyện cùng khán giả.
Tiềm năng và thách thức
Theo Sarah Cox, công nghệ bắt chuyển động cho show diễn Voyage vẫn quá đắt với hầu hết nhà sản xuất show âm nhạc. Dù vậy, bà cho rằng những công nghệ trình diễn tương tự có thể xuất hiện trong tương lai. Khi đó, chi phí sẽ giảm bởi hệ thống công nghệ, hiệu ứng đã được sử dụng nhuần nhuyễn.
Dù vậy, một số người đặt câu hỏi về tính hiệu quả trong thời gian dài của liveshow sử dụng ảnh đại diện 3D, đặc biệt khi các nền tảng metaverse phổ biến. Ngoài ra, việc lạm dụng công nghệ có thể khiến người khác "khó phân biệt giả và thật".
Sân khấu của ABBA Voyage nhìn từ khu khiêu vũ với giá vé cao hơn. Ảnh: Digital Journal. |
Thách thức khác đến từ việc mời nghệ sĩ tham gia. ABBA là nhóm nhạc với nhiều ca khúc kinh điển, người hâm mộ thuộc nhiều thế hệ và cả 4 thành viên đồng ý chuẩn bị cho show diễn.
"Bạn có thể đưa nghệ sĩ quá cố lên sân khấu, nhưng còn tùy quan điểm đạo đức. Với sự tham gia của ABBA, có thể xem đây là buổi liveshow của chính họ. ABBA quyết định trang phục và ca khúc, họ đã tạo ra show diễn này", Gisla chia sẻ.
Tổ chức show nhạc trong môi trường ảo đã được nhạc sĩ Travis Scott áp dụng trong tựa game Fortnite vào năm 2020, với khoảng 45,8 triệu người xem. Lil Nas X cũng làm điều tương tự trong trò chơi Roblox.
Jo Twist, CEO UK Interactive Entertainment nhận thấy tiềm năng khi kết hợp trải nghiệm giải trí, thưởng thức âm nhạc trong game. Nghệ sĩ có thể khai thác lượng người chơi game khổng lồ để quảng bá hình ảnh, thu hút danh tiếng.
Hiểu về metaverse để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai
Trong "Metaverse - Vũ trụ kỹ thuật số" , tác giả cuốn sách đem đến hiểu biết cơ bản về metaverse, tầm quan trọng của nó đối với con người cùng các ngành công nghiệp khác nhau.