Nguyễn Khắc Ngân Vi viết tiểu thuyết Đàn bà hư ảo bằng những trải nghiệm của người phụ nữ đương đại, phóng khoáng. Cô muốn nhân vật của mình được giải thoát khỏi những định kiến từ lâu đã ngầm áp đặt lên phụ nữ như một lẽ tất nhiên. Là đàn bà đâu chỉ có tam tòng tứ đức, đâu chỉ có phục tùng và cam chịu? Đàn bà cũng muốn yêu và được yêu theo cách của riêng mình.
Trải dài hơn hai trăm trang sách là những suy nghĩ miên man của An về cuộc sống và những người xung quanh cô. Lớn lên trong một gia đình đầy bạo lực và hỗn loạn, cái thứ gọi là “ký ức tuổi thơ” với An chỉ toàn đau khổ. Ở trong khoảng sâu hun hút của quá khứ có những trận say triền miên của cha và những giọt nước mắt vừa tủi hờn, vừa cam chịu của mẹ.
Mẹ cô oán hận người đàn ông mà bà lấy làm chồng nhưng không thể dứt bỏ ông ta. Cứ chia tay rồi quay đầu trở lại như vòng luẩn quẩn. An luôn cho rằng mẹ là người đàn bà yếu đuối. Bị ám ảnh bởi quá khứ đau khổ của mẹ, An quyết định trở thành hình mẫu hoàn toàn khác với bà, mạnh bạo và quyết liệt.
Tiểu thuyết Đàn bà hư ảo của Nguyễn Khắc Ngân Vi. Ảnh: Tao Đàn. |
Với người cá tính như An, yêu là chấp nhận. Khi đã bước vào trong thế giới của cô đồng nghĩa với việc phải chấp nhận tất thảy ở trong đó, cả điều xấu lẫn điều tốt. Nhai không phải là người đàn ông đầu tiên An yêu, nhưng anh là người đầu tiên cô muốn chung sống. Đơn giản vì Nhai chấp nhận con người An.
Cô luôn cố tạo cho mình vỏ bọc mạnh mẽ, ngay cả với bác sĩ tâm lý của mình là Trang, An cũng dè dặt trong những cuộc trò chuyện. Sự yếu đuối là thứ An giữ cho riêng mình và cô đã cố gắng chế ngự chúng bằng rượu và những đêm say triền miên. Thay vì tìm cách thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ, nhân vật chính lại tự tìm cách bi kịch hóa cuộc sống của bản thân.
Hoảng sợ trước hôn nhân của ba mẹ, An chưa bao giờ nghĩ tới chuyện kết hôn. Cô ở bên Nhai với vai trò vừa là bạn gái, vừa là tình nhân. Giữa cả hai vừa có tình yêu vừa có tình dục nhưng chẳng cần tới đám cưới. Họ có thể cùng nhau thoải mái đi ăn hàng mà chẳng cần lo đến việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa hay những bộn bề mang tên gia đình.
Huyền, cô bạn thân của An lại sống theo thái cực khác, đậm chất truyền thống. Huyền yêu rồi kết hôn, hạnh phúc với vai trò người phụ nữ của gia đình, dẫu cho bên trong tổ ấm của cô có đôi lần dậy sóng. Với An cuộc sống của những người đàn bà như Huyền thật phù phiếm. Tại sao phải trói buộc hạnh phúc của mình với một người đàn ông và cuộc hôn nhân với anh ta?
An luôn cho rằng mọi người sống quanh cô là phù phiếm, nhưng chính cô cũng không thoát khỏi điều đó. Từ nhỏ, An đã bị ám ảnh bởi sự cô độc. Cô luôn cố neo vào các mối quan hệ và đó thành cái cớ để An tồn tại. Nhưng để vượt qua sợ hãi và ám ảnh, cách tốt nhất là tự mình đối mặt với nó. Đó chính là cô độc.
Là người phụ nữ trẻ nhưng Nguyễn Khắc Ngân Vi không ngần ngại khi viết về sex.
Sex trong Đàn bà hư ảo cũng giống như son phấn hay trang phục, nó là thứ “công cụ” để người phụ nữ giải phóng “cái tôi” của bản thân. Nhân vật của Ngân Vi không chỉ không dùng sex để đối thoại với người tình. Đó còn là “ngôn ngữ” mà phần nữ tính trong An dùng để đối thoại với chính mình.
Có thể nói Đàn bà hư ảo là cuộc trình diễn hoàn hảo của lối viết “dòng ý thức”. Không nhiều đối thoại, bằng ngôn ngữ “độc thoại nội tâm” từng góc khuất sâu kín trong bản thể của người phụ nữ được bộc lộ một cách thoải mái, không chút e ngại.
Nói như vậy không có nghĩa là Nguyễn Khắc Ngân Vi dùng sex để “câu khách”. Sex trong văn học là “con dao hai lưỡi” và tác giả hiểu rõ điều đó. Cô biết tiết chế khi đưa các chi tiết liên quan tới sex vào tác phẩm. Sự thông minh ấy biến sex trong Đàn bà hư ảo không trở nên dung tục.