Ysushi Kitagawa là một nhà văn sáng tác cho giới trẻ nổi tiếng tại Nhật Bản. Tới nay, nhà văn sinh năm 1970 đã có tới 17 đầu sách, nhiều tác phẩm này đã được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan với số lượng lên tới hàng triệu bản.
Ngoài ra, anh còn là khách mời của những chương trình talk show về hướng nghiệp dành cho giới trẻ. Từng là một giáo viên trung học, với kinh nghiệm nhiều năm đứng trên bục giảng, tiếp xúc và trò chuyện cùng học sinh, tác giả viết về những thanh niên trẻ bằng tất cả sự quan tâm và thấu hiểu.
Độc giả Việt Nam biết đến cái tên Ysushi Kitagawa qua một số tiểu thuyết như: Cuộc hẹn bình minh, Nếu ngày mai không bao giờ tới. Với những trải nghiệm của bản thân về cuộc sống, cùng lối viết dung dị, các tác phẩm của nhà văn người Nhật Bản không chỉ dạy người trẻ biết ước mơ và theo đuổi ước mơ mà còn truyền cho họ cảm hứng sống và tinh thần lạc quan.
Cửa tiệm của những lá thư là cuốn truyện dài của Ysushi Kitagawa vừa ra mắt độc giả. Nhân vật chính của tác phẩm là chàng sinh viên năm thứ tư đại học, Nishiyama Ryouta. Giống như hàng ngàn thanh niên Nhật Bản sắp sửa tốt nghiệp Ryouta không khỏi băn khoăn trước những lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Tập truyện dài Cửa tiệm của những lá thư. |
Giữa cậu và bố mẹ là một khoảng cách lớn về thế hệ nên đôi bên không tìm được tiếng nói chung. Ryouta cũng chẳng trông chờ những lời khuyên từ người chị gái đã kết hôn, giờ chỉ lo nội trợ và người anh trai thất nghiệp. Chàng trai trẻ cảm thấy cô đơn và mất phương hướng khi đứng trước những quyết định lớn của cuộc đời. Trong một lần đi dạo cậu tình cờ tìm thấy “Thư quán”. Từ đây, mọi việc dần thay đổi.
“Thư quán” giống như một dịch vụ tư vấn, trao đổi, tâm sự qua hình thức thư tay. Ryouta dốc hết những băn khoăn, thắc mắc về nghề nghiệp và tương lai ra nói với nhân vật “Quán chủ” và hồi âm đã đến khi chàng trai trẻ vừa hoàn thành xong vòng đầu của kỳ phỏng vấn tuyển dụng cho một tập đoàn lớn. Đây là lúc cậu cần những lời khuyên.
Không khuyên nhủ Ryouta phải làm gì để nâng cao cơ hội trúng tuyển, Quán chủ truyền cho cậu cảm hứng để làm việc. Hứng thú, tình yêu đối với nghề nghiệp là một điều rất quan trọng. Những người thành công luôn làm việc với tất cả hứng thú và năng lượng chứ không đơn thuần vì lương hay tiền thưởng. Đừng làm việc vì muốn cấp trên chú ý tới bạn, hãy làm việc vì bạn có sẵn năng lực và luôn muốn cống hiến. Đó là những gì mà Quán chủ gửi tới chàng trai trẻ.
Nhưng Nishiyama Ryouta đã thất bại trong vòng phỏng vấn thứ hai. Điều này khiến chàng trai trẻ chán nản và thu mình lại. Lúc này, chính Quán chủ và những bức thư từ Thư quán là nguồn động viên với Ryouta. Đừng quá khắt khe đối với bản thân mình.
Với tuổi trẻ, thất bại không có gì là đáng xấu hổ. Điều quan trong là sau mỗi vấp ngã hãy tích lũy cho mình kinh nghiệm và năng lượng để bước những bước tiếp theo thật vững vàng. Trong lúc thất nghiệp, luôn có nhiều việc để làm. Hãy học thêm thứ gì đó mà bản thân thấy thích, đọc thêm vài cuốn sách hay và suy nghĩ chín chắn về tương lai.
Cửa tiệm của những lá thư là một tập truyện dài, nhưng từ những tâm sự của Quán chủ và Ryouta, độc giả sẽ tìm thấy điểm chung của tác phẩm với những cuốn sách về khởi nghiệp dành cho giới trẻ. Những dòng tâm sự mộc mạc, nhưng đầy tình cảm sự thấu hiểu và tin tưởng của hai con người xa lạ dễ đi vào lòng người hơn những lý thuyết khô khan.
Tác phẩm được xây dựng dưới hình thức những bức thư trao đổi qua lại, như một cuộc “đối thoại” không lời. Người đọc sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về khó khăn của những thanh niên trẻ trên con đường khỏi nghiệp.
Giống như Ryouta chắc hẳn bạn đọc sẽ rất tò mò về danh tính của vị Quán chủ tâm huyết, thấu tình đạt lý của Thư quán. Đáp án nằm ở trong tác phẩm và chắc chắn nó sẽ khiến độc giả bất ngờ!