Đợi đến lượt là tuyển tập truyện ngắn của vừa xuất bản của nhà văn trẻ Đinh Phương. Không thiên về mô tả hành động hay tường thuật lại những chuỗi lời thoại, 13 truyện ngắn trong tập sách là những “mạch ngầm” của sự suy ngẫm và tưởng tượng. Nơi nhà văn đã dùng ngòi bút để đào sâu vào những góc khuất sâu thẳm trong tâm hồn.
Vào lúc nào, con người ta thường hay suy tư và nghĩ ngợi? Chắc chắn những suy ngẫm không tới khi vui sướng hay hạnh phúc. Bởi khi ấy ta còn bận tận hưởng và mỉm cười. Con người ta dường như chỉ suy tư khi buồn chán, tuyệt vọng và bế tắc. Trong những suy nghĩ, tưởng tượng và đôi khi có cả hoài niệm ấy luôn ẩn chứa cách nhìn của con người về thế giới và chính bản thân mình.
Đợi đến lượt là nơi gặp gỡ của những kẻ điên, những tên chán đời và tuyệt vọng. Bị đẩy ra rìa cuộc sống, nên dường như họ có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về thế giới mà mình đang tồn tại. Đó là nơi mà số đông luôn thắng thế, những kẻ “thiểu số” sẽ bị buộc chấp nhận phải hòa tan hoặc bị đào thải. Đó là quy luật muôn đời!
Nhưng các nhân vật trong truyện ngắn của Đinh Phương đang gồng mình chống lại quy luật ấy. Đó là Viễn trong Đợi đến lượt - tên của truyện ngắn được lấy làm nhan đề cho cả tập sách. Dù cuộc chiến đã đi qua, nhưng cậu vẫn không ngừng suy nghĩ về chiến tranh và người bạn đã mất trong cuộc binh lửa. Ranh giới của cuộc chiến không nên phân định dựa vào thắng thua. Bởi đi qua cuộc chiến, ai cũng phải gánh chịu cái chết, mất mát và đau khổ.
Tập truyện ngắn Đợi đến lượt của Đinh Phương . |
Với một cố gắng cách tân và lạ hóa trong lối viết, Đinh Phương thay đổi quan niệm về “độc thoại” và “đối thoại”. Khi một ai đó nói chuyện với chính bản thân mình, ta mặc định đó là độc thoại, hay độc thoại của nội tâm. Với tác giả đó là một cuộc "đối thoại" trá hình.
Chàng sinh viên trong truyện ngắn Những miền trời xanh thẳm lại cho những cuộc trò chuyện đơn độc với chính mình là một thứ “đối thoại”. Đó là cuộc đối thoại giữa những “cái tôi” khác nhau cùng tồn tại bên trong một con người. Vì suy nghĩ ấy, anh bị coi như một kẻ lập dị, thứ lạc loài khác hẳn với đồng loại. Khi ấy, người ta đâu có nghĩ rằng: Cái tôi là luôn luôn khác biệt.
Gần gũi và đời thường hơn là câu chuyện của người phụ nữ trong Nhà phía bên kia. Công việc nội trợ,chăm sóc con cái làm cô cảm thấy nhàm chán. Người thiếu phụ bỗng không nhận ra bản thân mình. Cuộc sống hiện tại khác xa với những gì cô hằng mơ tưởng. Nó nhàm chán, nhưng không phải là bi kịch, giống như một thứ ao tù cô luôn cố vùng vẫy nhưng không thể thoát ra.
Ít xung đột về hành động và không nhiều tình tiết, trải dài trong những truyện ngắn của Đinh Phương là chuỗi độc thoại nội tâm. Ở đó, người ta bộc lộ suy ngẫm và tưởng tượng. Tác giả đã sử dụng triệt để kỹ thuật “dòng ý thức” để xây dựng nên các truyện ngắn của mình. Lối viết này tạo thuận lợi cho tác giả đưa ra các ẩn dụ và bộc lộ tư tưởng.
Ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các lý thuyết về phân tâm tâm học của Sigmund Freud và Carl Jung, từ các truyện ngắn trong Đợi đến lượt cho tới cuốn tiểu thuyết sau này là Nhụy khúc, Đinh Phương bị ám ảnh mạnh mẽ bởi cái chết. Nhà văn coi cái chết như một sự giải thoát tất yếu và là cứu cánh cuối cùng của nhân vật.
Là những truyện ngắn không có cốt truyện nên chúng không dành để kể. Để biết, để thưởng thức và sâu hơn là để hiểu Đợi đến lượt cần một trải nghiệm đọc của độc giả. Phải lật giở từng trang sách, lần theo những suy ngẫm của nhân vật ta mới thấy con người phức tạp nhường nào.
Đinh Phương miêu tả thế giới nội tâm phức tạp của con người bằng một giọng văn đẹp, khúc triết và sáng rõ. Thế giới của cô đơn, bế tắc; thế giới của người điên và những kẻ chán đời được dựng nên từ những câu văn ngắn, gẫy gọn và giàu hình ảnh, bình dị mà trong sáng, đậm chất thơ. Chính điều này sẽ “giữ chân” người đọc trước những rối rắm của tâm hồn.