Bóng đá Italy đã trở lại bằng các trận đấu ở bán kết Coppa Italy. Tuy nhiên, tin tức khiến nhiều cổ động viên và chuyên gia bóng đá nước này quan tâm hơn lại chính là thông tin 2 quỹ đầu tư đang có ý định mua cổ phần của Serie A để tạo ra cuộc cách mạng cho toàn bộ giải đấu.
Serie A đứng trước cơ hội đổi đời nếu chịu nhận đầu tư từ nước ngoài. Ảnh: Getty. |
Theo Bloomberg, Bain Capital - một quỹ đầu tư có trụ sở tại Boston (Mỹ) - đã chào giá mua 25% cổ phần của Serie A với số tiền lên tới 3,4 tỷ USD. Đây được coi là nước đi táo bạo của quỹ đầu tư có giá trị tài sản lên tới 105 tỷ USD (thống kê từ Forbes vào năm 2018).
Bain Capital chưa bao giờ đầu tư vào bóng đá hay mua lại giải đấu tầm cỡ như Serie A, nhưng họ sẵn sàng lao vào cuộc chiến tranh giành quyền sở hữu Serie A với CVC Capital Partners, một quỹ đầu tư khác có tổng tài sản khoảng 75 tỷ USD.
Hồi tháng 5 vừa qua, CVC, một đại gia khác của giới đầu tư, đưa ra mức giá 2,26 tỷ USD cho 20% cổ phần của Serie A. Theo Wall Street Journal, CVC hiện tại định giá Serie A khoảng 11,3 tỷ USD. Con số này khiến họ bị thất thế trong bàn đàm phán nếu so với Bain Capital, đơn vị mạnh về nguồn vốn hơn đã định giá Serie A lên tới 13,56 tỷ USD.
Việc đón nhận tiền từ các quỹ đầu tư khác có thể đem lại lợi ích gì cho Serie A? Financial Times nhận định nếu hàng tỷ USD được đổ vào như cam kết của CVC hay Bain Capital có thể tạo ra cuộc cách mạng cho cả giải đấu xứ mỳ ống.
Khi mua lại cổ phần Serie A, các quỹ đầu tư nói trên sẽ nắm bản quyền giải đấu, phát triển thương mại và hình ảnh ra thế giới. Đây có thể là bước ngoặt của Serie A, nếu nhìn vào những gì Premier League từng làm để đạt được thành công như hiện tại.
Serie A đang là giải đấu có giá trị bản quyền truyền hình cao thứ 4 ở châu Âu, với doanh thu 2,8 tỷ USD ở mùa giải 2018/19 (thống kê từ Deloitte). Khoảng 60% doanh thu của giải đấu đến từ tiền bản quyền truyền hình.
Nhiều chuyên gia kinh tế thể thao của Italy khẳng định nếu được phát triển đúng hướng, doanh thu của Serie A có thể cao hơn cả La Liga hay Bundesliga. Thương vụ Cristiano Ronaldo đến Juventus vào năm 2018 đã chứng minh điều này.
Bên cạnh đó, việc các quỹ đầu tư này cam kết đổ tiền cho việc cải tạo các sân vận động của Serie A cũng có thể tạo ra bước ngoặt cho giải đấu.
Juve là CLB duy nhất ở Serie A sở hữu sân vận động riêng. Ảnh: Getty. |
Trong nhiều năm, sân vận động là một trong những lý do khiến các câu lạc bộ của Serie A thất thế về mặt tài chính, khi so với những CLB tại La Liga hay đặc biệt là Premier League.
Juventus có thể là một trường hợp ngoại lệ khi họ đã xây được sân vận động riêng và có danh tiếng lừng lẫy. Tuy nhiên, nền tảng tài chính của “Bà đầm già” không thể sánh được với Real, Barca hay các đại gia của Premier League.
Kể từ World Cup 1990, các sân vận động ở Italy đã không được tu sửa và xuống cấp. Nhiều đội bóng tại Serie A không có sân vận động viên để kinh doanh bóng đá, mà phải thuê lại của chính quyền thành phố.
AC Milan và Inter vẫn phải dùng chung sân San Siro. Các kế hoạch xây sân bóng mới luôn tốn kém và gặp nhiều vấn đề pháp lý. Nhìn qua Tottenham Hotspur, Arsenal hay Chelsea, các đội bóng của Serie A thật sự đã tụt hậu khá xa về khía cạnh kinh doanh từ sân vận động.
CVC được cho là sẵn sàng bơm khoản tiền 113,3 triệu USD để giúp các CLB của Serie A vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19 vừa qua. Lời đề nghị của họ nhận được sự hưởng ứng từ Atalanta, Juventus, Lazio và Napoli - các CLB vẫn thuộc sở hữu của các ông chủ bản địa.
AC Milan và Inter - 2 đội bóng thuộc chủ ngoại quốc - khá dè dặt trước phương án này. Tuy nhiên, họ chỉ là thiểu số trong bối cảnh nhiều CLB nhỏ khác tại Serie A muốn đổi đời thông qua việc bán cổ phần giải đấu. Đây có thể là phương án ít rủi ro hơn so với việc để một ông chủ ngoại quốc tiếp quản CLB.
Hai thập niên trước, Serie A là giải đấu hấp dẫn bậc nhất hành tinh. Các CĐV bóng đá Italy chắc chắn muốn ngày huy hoàng đó trở lại.