Bình luận
Với 22 danh hiệu, Sergio Ramos kém có mỗi Francisco Gento trong lịch sử Real. Nhưng 6 chiếc Cup C1 mà Gento đã nâng không thể so sánh được với 4 chiếc Cup Champions League của Ramos bởi sự cạnh tranh trong kỷ nguyên hiện đại là khốc liệt.
Ramos cũng là cầu thủ có số lần ra sân nhiều thứ 4 của Real, chỉ xếp sau Raul, Casillas và Sanchis và không xuất thân từ lò Castilla ra sân nhiều nhất lịch sử đội bóng. Đó là còn chưa kể 101 bàn thắng ghi được trải đều trong tất cả mùa giải, số bàn thắng còn nhiều hơn cả Xavi hay Iniesta ghi cho Barcelona.
Sergio Ramos giành mọi danh hiệu cùng Real Madrid. Ảnh: Reuters. |
Đóng góp của Ramos
Ở Real, Ramos là thủ lĩnh với đôi mắt hoang dã, giúp các thành viên của đội bóng đứng vững bằng lòng nhiệt thành và sức chiến đấu không bao giờ cạn. Để nói về anh, HLV Carlo Ancelotti đã nói thế này trong cuốn hồi ký của ông: “Ramos là một thủ lĩnh với tính cách mạnh mẽ, một người không bao giờ lo lắng và cũng không bao giờ biết sợ hãi”.
Khi mới đến Bernabeu vào năm 2005 với bản hợp đồng kỷ lục dành cho một hậu vệ Tây Ban Nha, anh có phong thái chẳng khác gì một ngôi sao nhạc rock đang chuẩn bị cho chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới.
16 năm sau, anh đã trở thành người đàn ông chững chạc, nghiêm nghị nhưng không kém phần tàn nhẫn. Từ hậu vệ trẻ non nớt, dễ dàng nhận những thẻ đỏ vì hành vi bạo lực không kiểm soát, anh đã biến mình thành kẻ hủy diệt các ngôi sao.
Ở trận chung kết Champions League 2017, Ramos đã khiến Juan Cuadrado phải nhận thẻ đỏ bằng tiểu xảo bên đường biên của mình. Một năm sau, khi đối mặt với Liverpool hừng hực khí thế, anh khóa tay Mohamed Salah và khiến tiền đạo Ai Cập rời sân trong nước mắt rồi sau đó va chạm với Loris Karius và làm thủ môn này có màn trình diễn ngu ngốc và tệ hại nhất trong một trận chung kết lớn.
Với các cổ động viên trung lập, Ramos có thể không phải là trung vệ vĩ đại nhất lịch sử và luôn bị chỉ trích bởi sự “xấu chơi” của mình với 26 chiếc thẻ đỏ trong sự nghiệp, nhưng chắc chắn anh là trung vệ thành công nhất và có một bộ sưu tập đồ sộ nhất, đủ để tất cả phải ghen tị và ngả mũ kính phục.
Sergio Ramos rời Real Madrid sau 16 năm. Ảnh: Reuters. |
Cuộc chia tay của huyền thoại
Những thông tin về việc Ramos rời khỏi Real từ lâu đã không còn là bí mật. Thực tế, mùa giải vừa qua, cầu thủ người Tây Ban Nha đã không còn sung sức như xưa khi anh bị chấn thương hành hạ và phải nghỉ suốt hàng tháng trời. Anh lần lượt bị đau ở đùi phải, rồi đến bắp chân trái và gần đây nhất là gân kheo trái.
Trong thời gian dưỡng thương, Ramos cũng nhiễm virus corona và tiếp tục phải ngồi ngoài. Hậu quả là trong năm 2021, anh chỉ ra sân có 5 trận và không đóng góp gì nhiều vào cuộc đua giành ngôi vô địch mà Real đã thất bại ở vòng cuối cùng của mùa giải. Trước đó, kể từ ngày lên chuyên nghiệp, nếu không tính mùa giải đầu tiên cho Sevilla, Ramos chưa từng thi đấu ít hơn 30 trận mỗi mùa và có tới 15/16 mùa thi đấu nhiều hơn 40 trận.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động làm sụt giảm doanh thu, tất cả đội bóng đều hướng tới việc tiết kiệm chi phí và Real cũng không ngoại lệ. Đó là lý do khiến việc thương thảo hợp đồng của Ramos và đội bóng hoàng gia đi vào bế tắc đến nỗi hồi tháng 3, chính HLV Zidane cho biết ông cũng không rõ tương lai của Ramos sẽ ở đâu.
Real muốn anh giảm lương, khoảng 10% mức lương hiện tại, anh đồng ý. Nhưng Real chỉ muốn gia hạn thêm 1 năm nữa vì nhiều lý do, còn Ramos muốn đó là bản hợp đồng 2 năm. Chắc chắn, với Ramos, anh hy vọng sau 2 năm, mình có thể thanh thản kết thúc sự nghiệp ở tuổi 37.
Song 2 bên đã không thể đạt được thỏa thuận làm hài lòng tất cả. Một nguồn tin tiết lộ Ramos không chấp nhận giảm lương khi cho rằng Real muốn dùng số tiền đó để thêm vào ngân sách chiêu mộ Kylian Mbappe. Cuối cùng, anh lựa chọn ra đi.
Có rất nhiều trường hợp chúng ta chỉ nuối tiếc và cảm thấy đầy đủ tầm quan trọng của một người khi người đó không còn ở bên chúng ta. Ramos với Real là như thế. Trong 16 năm, anh đứng phía trước khu cấm địa, hò hét chỉ đạo các đồng đội phòng ngự, hùng hổ lao lên khi cần tấn công và đã ghi không ít những bàn thắng trong thời điểm Real cần đến nhất.
Người ta không đếm được số lần anh chơi xấu, số lần anh sử dụng tiểu xảo với đối phương để đem lại lợi thế cho đội nhà. Ramos chấp nhận tất cả, cả yêu và ghét, ca ngợi lẫn chỉ trích, để giúp Real đạt được mục đích cuối cùng. Có người nói Ramos như “phần đen trong màu trắng của Real” cũng chẳng sai.
Nhưng khi anh tuyên bố ra đi, rất nhiều cổ động viên cảm thấy nuối tiếc. “Tôi không thích tính cách của Ramos, nhưng anh ấy thật sự tuyệt vời và từ tuyệt vời đó hãy còn chưa đủ”. “Ramos sẽ cần những người mới ghét anh ấy còn bây giờ, những người cũ lại bắt đầu yêu anh ấy”.
Cách sống và làm việc của Ramos có thể khiến nhiều người không ưa anh nhưng chắc chắn, không đội bóng nào lại không muốn có một thủ lĩnh như thế.
“Tôi đã chiến đấu và làm việc mỗi ngày, bằng cả tâm hồn và thể xác, để có thể cống hiến 100% sức lực cho Real và cho đội tuyển quốc gia”, Ramos nói như vậy về ngày chia tay cận kề. Không chỉ Real, có lẽ đội tuyển Tây Ban Nha cũng không còn dành một chỗ cho anh nữa.
Tất nhiên, trong thâm tâm, Ramos không khỏi có chút gì đó cay đắng. Song bóng đá là như vậy. Bóng đá hiện đại càng tàn nhẫn hơn và Real, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, luôn cho thấy rằng “chẳng cầu thủ nào là không thể thay thế”.
Real đã cần Ramos để vĩ đại hơn và bây giờ, họ sẽ cần một người khác, mthủ lĩnh khác, ngôi sao khác để nối dài sự vĩ đại. Nhiệm vụ của Ramos đã kết thúc và triều đại của anh thực sự khép lại trong cái ngày mà Chủ tịch Perez trao tặng anh một kỷ niệm chương đặc biệt để tri ân, một chiếc huy chương bằng vàng và kim cương, phần thưởng cao quý nhất của Real dành cho một thành viên của mình.
Sự ra đi của Ramos khiến nhiều cổ động viên Real tiếc nuối. Ảnh: Reuters. |
Một trang sách đã được lật sang
Cuộc sống thì vẫn phải tiếp tục và Ramos sẽ phải tìm cho anh đội bóng mới nếu không muốn dừng lại ở đây. Từ mùa xuân năm nay, trung vệ người Tây Ban Nha đã bắt đầu trở thành mục tiêu của nhiều đội bóng lớn. Có 4-5 CLB đánh tiếng với anh ngay cả khi anh đang điều trị Covid-19.
Vào giữa tháng 6, Sevilla, đội bóng là bệ phóng cho Ramos trở thành huyền thoại, đã gửi một lời đề nghị thực sự hấp dẫn: Mức lương 7 triệu euro mỗi mùa cho bản hợp đồng 5 năm. Đấy là sự tôn trọng và tin tưởng rất lớn dành cho Ramos. Anh đã 35 tuổi và từ trước đến nay, chưa có đội bóng hàng đầu nào lại ký với cầu thủ 35 tuổi một bản hợp đồng có thời hạn lâu như vậy.
Sevilla cũng sẽ tham dự Champions League mùa sau và dù không thể cạnh tranh được danh hiệu, thì họ cũng giúp Ramos được tiếp tục hít thở bầu không khí bóng đá đỉnh cao. Chưa kể, Los Nervionenses (biệt danh của Sevilla) sẵn sàng để dành một ghế trong ban giám đốc khi Ramos quyết định treo giày.
Tuy nhiên, các cổ động viên Real không muốn thế. Đối với họ, thật khó chấp nhận một huyền thoại của Real sẽ lại khoác áo đối thủ ở La Liga, kể cả khi đó là đội bóng mà huyền thoại ấy trưởng thành.
Và tham vọng của Ramos cũng chưa kết thúc để quay trở về cố hương. Anh đã quá quen với việc ganh đua để giành danh hiệu. Ở tuổi 35, khát vọng chiến đấu của anh chắc chắn chưa mất đi, và Sevilla không thể đảm bảo cho anh những gì mà anh mong muốn. Chỉ có điều, không có nhiều đội bóng đáp ứng được khát vọng đó.
Milan từng liên hệ với anh, nhưng họ đành lắc đầu trước yêu cầu về mức lương lên tới 15 triệu euro mỗi mùa. Manchester United cũng muốn có Ramos, nhưng họ vẫn chưa quên được anh “đùa bỡn” thế nào vào mùa hè năm 2010 để kiếm thêm tiền từ Real Madrid.
Manchester City quan tâm, nhưng họ chưa đưa ra bất cứ lời đề nghị nào trong khi Juventus lẫn Inter, dù rất muốn có anh, cũng đang phải đau đầu đối phó với sự sụt giảm về nguồn thu khiến các cầu thủ phải chậm lương hồi cuối năm ngoái.
Hiện chỉ có Paris Saint-Germain là đủ khả năng về tài chính là sẵn sàng đàm phán. Hồi đầu năm nay, khi Ramos vẫn chưa xác định anh có rời Real hay không, chính Giám đốc Thể thao Leonardo của đội bóng Pháp đã gửi lời đề nghị về bản hợp đồng 3 năm với mức lương lên tới 15 triệu euro cho anh, tất nhiên, kèm theo đó là khoản phí lót tay hậu hĩnh. Nhưng lúc ấy, Ramos im lặng bởi anh vẫn còn hy vọng vào việc tiếp tục được ở lại Real. Bây giờ, rất có thể, anh sẽ phải suy nghĩ về lời đề nghị ấy.
PSG không thể bảo vệ danh hiệu vô địch Ligue 1 mùa vừa qua, trong khi Champions League vẫn còn là cái gì đó quá xa vời với tầm vóc của họ. Marquinhos và Presnel Kimpembe cũng giỏi đấy, nhưng họ còn lâu mới với tới trình độ của một trung vệ vĩ đại. Nếu Ramos tới đây, anh sẽ mang lại một tinh thần Champions League cho các cầu thủ của Paris, điều mà Neymar đã thất bại bởi tính cách quá cá nhân và thất thường của mình.
Nhưng dù Ramos đi đâu, đến PSG, Man City, Inter hay tới Trung Đông thi đấu, chắc chắn tâm hồn anh vẫn sẽ hướng về Bernabeu. Ở nơi đó, chiếc áo số 4 của anh vẫn treo trong phòng truyền thống, bên cạnh những chiếc áo của các huyền thoại khác. Và như nhà báo Rik Sharma đã viết, dù trưởng thành từ lò đào tạo của Sevilla, Sergio Ramos vẫn là một người Real chân chính, một người Real 110%.