Ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam - một trong những doanh nghiệp FDI lâu đời nhất tại Việt Nam - khen môi trường đầu tư Việt Nam, độ hiểu về cách mạng 4.0, và dự án sản xuất ôtô.
Năm 2015, lần đầu tiên robot Yumi, loại robot phối hợp với 2 cánh tay đầu tiên trên thế giới, xuất hiện trong một triển lãm tại Hà Nội. Robot này là sản phẩm của ABB - tập đoàn đến từ Zurich, Thuỵ Sĩ hoạt động trong lĩnh vực điện, tự động hoá công nghệ.
Là một trong những đại diện doanh nghiệp FDI tham dự Hội nghị cấp cao Industry Summit 4.0 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức, ông Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam, đã có những chia sẻ với Zing.vn xung quanh câu chuyện về câu chuyện phát triển của doanh nghiệp FDI, cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường kinh doanh của Việt Nam trong cảm nhận của doanh nghiệp nước ngoài.
- Trước khi về Việt Nam, ông từng làm tổng giám đốc tại ABB tại Oman. Ông thấy thị trường Việt Nam và Oman cũng như các nước khác có sự khác nhau như thế nào?
- Tôi thấy Việt Nam là thị trường năng động và hiện tại đang có sự phát triển tốt ở châu Á, khu vực Đông Nam Á. Đất nước của các bạn cũng đã và đang cho thấy được sự thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Một trong những điều ấn tượng nhất của tôi về Việt Nam là con người. Sau 25 năm đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi có hơn 900 nhân viên và trong số này chỉ có 5 người nước ngoài, còn lại đều là người Việt cả. Việc kinh doanh ở Việt Nam của chúng tôi bây giờ phụ thuộc vào đội ngũ những người tài năng của các bạn.
- Đến Việt Nam 25 năm, ông đánh giá môi trường đầu tư của chúng tôi như thế nào? Tính trên thang điểm 10 thì ông chấm mấy điểm?
- Tôi chấm… 11 điểm. Tôi chưa thấy một thị trường nào có nhiều cơ hội như ở Việt Nam, từ sản xuất máy móc đến công nghệ sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng tái tạo với các ví dụ như Samsung, Vinfast… Vấn đề rất khó đối với chúng tôi là chọn cơ hội nào phù hợp, vì có rất nhiều cơ hội.
Một trong những mảng mà chúng tôi thấy có nhiều cơ hội là năng lực tái tạo. Có rất nhiều đầu tư ở lĩnh vực này trong thời gian gần đây. Thêm vào đó thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với mảng số hoá cũng được chúng tôi đặt làm trọng tâm cho việc phát triển ở Việt Nam - nơi có nhiều cơ hội như tôi đã nói ở trên.
- Người ta nói khá nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy theo quan sát của ông, người Việt Nam đã hiểu đúng và đầy đủ về 4.0 hay chưa?
- So với một số nước khác thì tôi thấy rằng độ hiểu về cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam là tương đối tốt. Đặc biệt, con người Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp cao, học hỏi rất nhanh.
- Không phủ nhận là ở Việt Nam thì doanh nghiệp khối FDI có đóng góp tương đối quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên ở một số doanh nghiệp FDI cũng xảy ra không ít vấn đề như câu chuyện chuyển giá, trốn thuế. Góc nhìn của ông về câu chuyện này?
- Tôi không có bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu nói về doanh nghiệp chúng tôi thì chúng tôi có những đạo đức, nguyên tắc kinh doanh tốt ở Việt Nam. Chúng tôi đã và đang làm việc, đóng thuế đúng với quy định và hy vọng sẽ là ví dụ trong danh sách những doanh nghiệp FDI có đóng góp nhiều nhất cho Việt Nam.
- Ông thấy sao khi một số người cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu đãi quá nhiều trong khi doanh nghiệp trong nước phải chật vật để sinh tồn?
- Những doanh nghiệp FDI như chúng tôi đến Việt Nam không chỉ mang theo công nghệ nước ngoài mà còn tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Những người từng làm việc cho doanh nghiệp FDI có những người làm việc trong các công ty Việt Nam, có người làm doanh nghiệp riêng. Chúng tôi - những doanh nghiệp FDI - cảm thấy có thể góp phần phát triển điều này.
- Một số doanh nghiệp FDI phàn nàn gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân sự, không rõ ở doanh nghiệp của ông thì như thế nào?
- Cũng như những đơn vị khác, chúng tôi gặp khó khăn để tìm được những nhân lực đúng. Một trong các giải pháp được đưa ra là chúng tôi làm việc với các trường đại học. Bên cạnh cung cấp thiết bị thì chúng tôi cũng triển khai những chương trình liên kết, hỗ trợ học bổng để sinh viên có thể đến công ty chúng tôi thực tập một thời gian. Qua đây, chúng tôi cũng giải quyết được một phần về vấn đề con người.
- Tiến trình chuyển giao công nghệ thì sao, thưa ông? Các ông đã xác định có những doanh nghiệp nào sẽ tham gia vào chuỗi chuyển giao công nghệ?
- Để hiểu đúng hơn về chuyển giao công nghệ thì chúng tôi đang thiết lập hệ thống dự án, hệ thống điều khiển tự động về năng lượng mặt trời, qua đó đào tạo nguồn lực của nhà máy giúp họ hiểu rõ hơn công nghệ của chúng tôi.
Các sản phẩm đó không chuyển giao theo ý nghĩa để họ sản xuất. Chúng tôi vẫn phải sản xuất thiết bị để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Hướng đi của chúng tôi là sẽ đầu tư vào con người, công nghệ, chia sẻ kiến thức để doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt hơn.
- Ông đánh giá thế nào về giới doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hiện nay?
- Tôi thấy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân lớn. Doanh nhân của khối doanh nghiệp này đa phần đều làm việc chăm chỉ, có tinh thần học hỏi.
Chúng tôi hiện nay cũng đang mua và sử dụng rất nhiều sản phẩm, dịch vụ từ các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
- Hệ thống điện và tự động hoá của các ông được cung cấp cho nhiều nhà máy, công trình công nghiệp quan trọng trong các ngành giấy, hoá chất, thực phẩm, đồ uống, sản xuất ôtô. Ông có thể kể ra một số đối tác lớn từ Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ôtô hay đồ uống chẳng hạn?
- Câu hỏi này rất khó để trả lời đầy đủ được. Khi làm việc với các doanh nghiệp trong ngành ôtô hay xây dựng thì chúng tôi thường ký một cam kết bảo mật thông tin nên không thể tiết lộ. Tuy nhiên, với một số lĩnh vực khác, đối tác của chúng tôi hiện nay có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVN là một trong những đối tác rất lớn của chúng tôi.
- Trước đó ông có nhắc đến Vinfast. Dưới góc độ lãnh đạo công ty nước ngoài ở Việt Nam thì ông đánh giá dự án này như thế nào?
- Đây là doanh nghiệp rất tốt cho Việt Nam. Việc sản xuất ôtô sẽ có thể thúc đẩy nền kinh tế của các bạn phát triển một cách đáng kể. Đặc biệt, nếu nhìn vào Hải Phòng - nơi đặt nhà máy sản xuất ôtô thì việc doanh nghiệp phát triển nhà máy sản xuất ôtô ở Hải Phòng cũng sẽ góp phần khiến địa phương này thu hút được đầu tư nhiều hơn.
- Hồi đầu năm từ nhiều người dân khá tò mò về robot đào đường, hỗ trợ việc phát triển hạ tầng tại TP.HCM. Được biết ABB của các ông cũng sản xuất robot công nghiệp, các ông có ý định lấn sân vào mảng sản xuất robot hỗ trợ hạ tầng này hay không?
- Cần phải nói rõ là không có nghĩa robot đào đường to lớn, cồng kềnh sẽ là phức tạp và robot công nghiệp nhỏ bé thì sẽ đơn giản. Chúng tôi sản xuất robot để phát triển cho công nghiệp và chưa có ý định phát triển các loại robot hỗ trợ cho hạ tầng.
Sau nhiều năm làm việc tại các quốc gia như Oman, Anh, Brian Hull về Việt Nam, làm Tổng giám đốc ABB Việt Nam từ năm 2017. Tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI do Brian Hull là CEO tham gia vào nhiều dự án lớn như nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, hầm Hải Vân, cung cấp thiết bị cho nhà máy lọc dầu Dung Quất...