Câu chuyện với ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát, người vừa được Forbes vinh danh tỷ phú USD, thú vị bởi những chi tiết đặc biệt về máy bay, bóng đá và văn học.
Một ngày sau khi Forbes vinh danh ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát, là tỷ phú USD thứ tư của Việt Nam, Zing.vn có buổi trò chuyện với “vua thép”.
Những câu chuyện thú vị nhất về ông Long, ngoài thép, nông nghiệp, máy bay hay bóng đá như được biết đến, còn là văn học. Trên bàn làm việc của ông chủ Hoà Phát sáng 8/3 có cuốn sách Mô hình và giải pháp thúc đẩy Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn - một chi tiết khá thú vị trong bối cảnh Việt Nam có thêm tỷ phú USD trên bản đồ người giàu thế giới.
- Được gọi là tỷ phú USD trên sàn chứng khoán Việt Nam thì ông bảo “thấy bình thường thôi”. Vậy được Forbes vinh danh tỷ phú USD và là một trong 4 người của Việt Nam vào danh sách, cảm xúc của ông thế nào?
- Buổi tối 6/3, khoảng 10 phút sau khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thì có người gọi điện cho tôi. Phải nói thật là cảm giác khi đó cũng bình thường thôi. Đến cả ngày 7/3, nhiều anh em, bạn bè, đồng nghiệp gọi điện. Thậm chí, tôi vào một cửa hàng cà phê, mọi người đến bắt tay chúc mừng. Khi đó mình hiểu là sức lan toả của điều đó rất lớn và không ngờ thông tin Forbes công nhận lại có ảnh hưởng lớn đến vậy.
Nếu bạn hỏi tôi câu này hôm 6/3 thì vẫn sẽ là “bình thường” nhưng giờ tôi đã thay đổi câu trả lời. Thật sự tôi rất vui, vui khi được thế giới công nhận và quan trọng nhất là ảnh hưởng thông tin rất lớn. Có lẽ tôi phải nói vui trong đại hội cổ đông sắp tới là phải thưởng cho ông chủ Tập đoàn Hoà Phát qua câu chuyện này (cười).
- Forbes viết về ông Trần Đình Long và doanh nghiệp của ông như thế này: “Hoà Phát đang sản xuất thiết bị văn phòng, ống thép, thép xây dựng và được xem là nhà sản xuất thép lớn nhất của Việt Nam”. Ông thấy như thế nào về phần mô tả trên và có “tiếc” gì không, vì hình như mô tả đó “bỏ quên” phần bất động sản, nông nghiệp?
- Tôi thấy là việc ghi nhận đó là vinh dự rồi. Một niềm vui nữa, nhỏ thôi, là lần này danh sách tỷ phú của Việt Nam có bổ sung tôi và anh Dương (ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ôtô Trường Hải- PV), cũng là bạn tôi. Hoà Phát và Trường Hải là hai doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Dưới góc độ nào đấy, lĩnh vực này phản ánh đúng nền kinh tế Việt Nam là đất nước công nghiệp mới với xu hướng phát triển của những doanh nghiệp trong ngành.
Còn bảo có tiếc gì trong phần mô tả đó của Forbes thì tôi không tiếc. Tôi nhấn mạnh lại là rất vui vì Forbes công nhận hai doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Nên nhớ về điều đó nhiều hơn.
- Hoà Phát làm bất động sản khá tốt, thực tế cũng cho thấy rồi. Tỷ phú Việt Nam cũng phần lớn giàu lên từ bất động sản, lợi nhuận từ mảng này lớn. Có vẻ như ông dè dặt hoặc rút chân hơi sớm khỏi lĩnh vực này? Ông có từng “nghĩ lại” về điều đó?
- Với người khác thì tôi không biết, nhưng với tôi, ở từng thời điểm, chúng tôi phải tập trung vào một thứ gì đấy. Với trọng số về khu liên hợp Hoà Phát Dung Quất thì từ nay đến năm 2020, nghị quyết của HĐQT Hoà Phát sẽ dành toàn tâm toàn lực vào đó. Thực lực của mình, nói thật, cũng có hạn thôi, cũng không muốn lan man.
Nói như vậy không phải là chúng tôi bỏ rơi bất động sản hay khu công nghiệp, nhưng thời điểm này, chúng tôi chưa chú trọng.
Thật ra đã làm việc này thì thôi, khỏi làm việc khác, nên chẳng có gì phải tiếc cả. Trong cái gọi là kế hoạch, ít nhất là 3-5 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung cao độ để hoàn thành khu Dung Quất vì chiếm trọng số rất lớn về tầm quan trọng cũng như hiệu quả mang lại.
- Còn nông nghiệp thì sao, thưa ông? Hiện tại Hoà Phát cũng đã đầu tư vượt 1.000 tỷ đồng vào mảng này và chưa có lợi nhuận?
- Mọi người nếu làm nông nghiệp và để ý các doanh nghiệp đầu tư ngành này thì sẽ thấy đây là lĩnh vực làm rất lâu. Khác với sản xuất công nghiệp khi anh làm xong máy móc là xong, lĩnh vực này còn phải có chu kỳ sống của con vật. Vì thế, khi bắt tay vào mảng nông nghiệp tôi cũng xác định trước là phải đến năm 2019-2020 mới xong được “chu kỳ dựng lên ban đầu”.
Thời điểm này, tôi thấy bình thường thôi. Nông nghiệp nếu để làm thì cũng khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn kiên định đi theo các kế hoạch đã đặt ra. Quan trọng nhất ở thời điểm này vẫn là thép. Nhưng kể cả thế thì với nông nghiệp, những kế hoạch đặt ra vẫn tương đối đúng.
- Vậy làm thép, bất động sản và nông nghiệp, ông thấy thứ nào “sướng” nhất?
- Làm thép thì có vài thứ khó. Thứ cực kỳ khó là vốn đầu tư lớn. Thứ khó tiếp theo là thời gian thu hồi vốn lâu. Nhưng chúng tôi lại có thuận lợi với thép là có khâu thị trường rất chắc chắn. Đại lý của chúng tôi như đàn kiến, toả đi khắp nơi, về đến tận thôn, làng, xã nên tự tin sẽ tiêu thụ tốt.
Bất động sản và nông nghiệp cũng đang đúng kế hoạch đấy nhưng làm bất động sản có vẻ nhàn nhã hơn.
Làm thép khó khăn nhưng ít nhất thời điểm này, làm ở lĩnh vực này tương đối thuận lợi.
- Có người bảo ông Long, vì chọn thép nên đến giờ này mới có tên trong danh sách tỷ phú chứ không thì đã có sớm hơn rồi. Chọn đi đường khó, ông có đặt mục tiêu cạnh tranh với các ông lớn Trung Quốc, Thái Lan?
- Không cạnh tranh gì đâu. Còn việc được vinh danh tỷ phú này, hẳn là hệ quả của một quá trình.
Nhận xét là quyền của mỗi người vì trước một hiện tượng thì mỗi người lại có một góc nhìn khác nhau, có thể đúng hoặc chưa chắc đã đúng. Về cái câu “làm ngành khác thì thành tỷ phú lâu rồi”, tôi thì cho rằng nhiều khi như là duyên số. Nói vui thôi là nếu ngày khởi nghiệp ông Long không chọn nội thất mà lại chọn dệt may thì giờ lại khủng khiếp ư (cười lớn).
- Một số đại gia Việt gặp trục trặc vì đầu tư đa ngành. Từ kinh nghiệm của các doanh nhân khác thì ông thấy có gì giúp cho mình tự tin theo đuổi hướng này, và đến khi nào thì ông lại tính đến đa ngành?
- Trên một chặng đường kinh doanh, tôi luôn thấy là sớm muộn các tập đoàn sẽ phải phát triển đa ngành thôi. Trên thế giới cũng là như vậy và Việt Nam đi theo thế giới. Còn mức độ đa ngành như thế nào thì tuỳ.
Tuy nhiên, tôi quan niệm rõ là ở từng thời điểm, doanh nghiệp phải tập trung được sức mạnh của mình vào ngành nào. Với Hoà Phát, tôi khẳng định là từ nay đến năm 2019, chúng tôi tập trung cao độ vào khu liên hợp.
Mọi người nhìn thì thấy đơn giản thôi nhưng đầu tư vào khu liên hợp cực kỳ phức tạp. Để làm ra khu liên hợp thép thì phải có “đủ thứ trên đời”. Chúng tôi phải biết về nghề cảng, đào cảng, kênh ngầm dưới biển dài cả 6 km, độ sâu âm 20 m để làm ra thép. Ngoài ra còn có cả đường sắt, ga tàu, đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu. Chúng tôi cũng phải mua cả phần quản trị kinh doanh của nước ngoài. Có rất nhiều việc phải làm.
Cho nên, với người khác thì tôi không biết, nhưng với chúng tôi thì từng thời điểm sẽ chỉ tập trung cho từng thứ cho bằng ra, bằng xong đi đã.
Phải chấp nhận hy sinh cái khác thôi, chứ cứ đòi tiến ngang, thép cũng tiến, bất động sản cũng tiến, các thứ khác cũng tiến thì khó. Đây là chia sẻ dưới góc độ cá nhân. Còn có nhiều người có thể họ giỏi, họ làm nhiều thứ một lúc thì tôi không biết.
- Nói về đại gia Việt, cũng có người đặt câu hỏi về mức đóng góp cho cộng đồng xã hội trong khi bên cạnh đó cũng một phần thao túng, lợi dụng chính sách. Góc nhìn của ông về điều này?
- Như tôi đã nói ở trên, với một hiện tượng, mỗi người lại có một cách nhìn. Khi Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD thì tôi được nhiều người nhắn tin, gọi điện chúc mừng. Đọc thông tin trên mạng, tôi thấy đa số đều vui mừng vì Việt Nam giờ cũng sánh vai với nước khác. Thế nhưng cũng có người bảo tỷ phú Việt Nam bây giờ nhiều lắm, chẳng qua ẩn mình thôi, mấy ông này nổi vì trên sàn… Họ nói thế là quyền của họ, cũng bình thường thôi.
Còn về đóng góp cho xã hội của doanh nhân, tôi chỉ nói câu chuyện của tôi thôi. Năm 2017, đóng góp của doanh nghiệp tôi là 5.000 tỷ đồng, chưa kể những chính sách, hoạt động xã hội khác vì chúng tôi hoạt động trên 18-21 tỉnh, thành phố.
Về chuyện có hay không thao túng chính sách, mọi người cũng nói thế thôi. Tôi vẫn nghĩ câu chuyện chính sách hay không thì cuối cùng là ở nhà làm chính sách chứ không phải ở doanh nghiệp. Hơn nữa, với cá nhân, tôi nghĩ quy mô, tầm vóc của doanh nhân Việt Nam chưa đủ để thao túng được chính sách đâu.
- Rất trùng hợp là buổi trò chuyện với ông diễn ra vào đúng ngày 8/3. Theo ông, điều quan trọng nhất với một người phụ nữ, trong cuộc sống này, là gì?
- Người ta vẫn nói điều quan trọng nhất với phụ nữ là gia đình. Tôi cũng thấy thế. Nhưng với xã hội như hiện nay, thì với phụ nữ, sự nghiệp cũng rất quan trọng.
Đến giờ thì việc điều hành hàng ngày ở doanh nghiệp chúng tôi đều do thế hệ thứ hai, có nhiều nữ giới. Tôi vẫn nói vui là đáng lý ra, ông Long phải được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thưởng huân chương bình đẳng giới. Vì sao ư? 1/3 nhân viên Tập đoàn Hoà Phát - doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng - là nữ giới rồi. Tỷ lệ đó, theo chị, xứng đáng được khen chưa? (Cười)
- Trên sàn chứng khoán Việt Nam, vợ chồng ông Trần Đình Long đều có tên trong danh sách những người giàu nhất nhưng hình như chưa bao giờ thấy ông nhắc đến vợ?
- Nguyên tắc của chúng tôi về “các bà vợ” thì đã nói nhiều rồi mà. Chị cũng vừa hỏi chức năng của phụ nữ thì thôi, cứ gia đình là tốt rồi. Có khi câu này sẽ được hơi bị nhiều người chê, chị em kêu là độc đoán (cười).
- Đứng đầu doanh nghiệp tỷ đô, lại là tỷ phú, rõ ràng ông là đại gia rồi. Ông nghĩ như thế nào về câu chuyện “đại gia - chân dài”?
- Muốn hay không thì người ta vẫn gọi mình là đại gia. Tôi thấy bình thường. Người ta nói là chuyện của người ta thôi. Còn cụm từ đó thì vận dụng từng trường hợp, từng người cụ thể mới biết. Nói “đại gia - chân dài” mà theo nghĩa tiêu cực, tôi dị ứng.
- Có vẻ như không chỉ ông mà nhiều lãnh đạo khác ở Hoà Phát cũng khá chuẩn chỉnh. Hình như là ảnh hưởng của người đứng đầu?
- (Cười lớn) Không ảnh hưởng gì đâu. Nhưng, như người ta thường nói, bạn bè giống nhau thì chơi cùng nhau. Ví dụ đàn ông thì được chia rõ ràng lắm, nhóm thì thích sau giờ làm đi nhậu dù nhậu không xấu, nhóm như thế thì không thích cà phê. Còn tôi với những người bạn thì lại thích cà phê, trưa thì gặp nhau tán phét.
- Từng là học sinh giỏi văn, ông thích cuốn sách nào nhất, có thích hình tượng văn học nào không?
- Tôi đọc nhiều lắm. Mỗi thời điểm khác nhau, sở thích của tôi lại thay đổi. Hồi trẻ, còn là sinh viên nhàn nhã thì tôi thích đọc văn học cổ điển, Cuốn theo chiều gió chẳng hạn… Sau này bận hơn, lúc rảnh là tôi đọc truyện trinh thám để giải trí. Giờ thì không có thời gian nữa, chỉ còn xem tivi thôi. Tôi thích phim tâm lý xã hội nước ngoài và xem bóng đá. Tôi chưa bỏ trận nào ở giải Ngoại hạng.
- Đọc “Cuốn theo chiều gió” thì có thể thấy là cuối cùng phụ nữ vẫn cần một người đàn ông như Rhett Butler, vừa trưởng thành, có khả năng đem đến cho họ cuộc sống đầy đủ, trách nhiệm, yêu thương con cái… Có vẻ như Rhett thực tế và định lượng như người làm thép vậy, ông nghĩ sao?
- (Cười lớn) Hồi sinh viên, chỉ vì hai nhân vật trong Cuốn theo chiều gió là Rhett Butler và Ashley Wilkes mà tôi và chúng bạn cãi nhau. Tôi thì chọn Rhett Butler, và bảo anh ấy là người bình thường còn các bạn khác, đa phần là nữ, thì thích Ashley Wilkes, còn bảo Rhett là “thằng mất dạy”.
Hồi đó mà nói như vậy (Rhett là người bình thường - PV) thì là đổi mới lắm ấy. Vì giai đoạn đó, 10 bạn nữ thì có đến 9 bạn thần tượng Ashley (Cười lớn). Tôi thích Rhett vì nói thật là người như Ashley thì chẳng làm được gì trong cuộc sống cả vì suốt ngày mơ mộng.
- Có người bảo ông Long là học sinh giỏi văn nhưng lại đi làm thép, nói theo ngôn ngữ giới trẻ bây giờ là “có gì đó sai sai”?
- (Cười) Giỏi văn là hồi học phổ thông thôi. Còn vào học đại học rồi, tôi thích lý luận kinh tế. Mà thôi, nói làm gì, chuyện cũ rồi.
- Những năm trước, ông Trần Đình Long là doanh nhân khá kín tiếng với báo chí nhưng lại nổi tiếng với thú chơi máy bay và bóng đá. Ông có ý định sắm máy bay mới không?
- Tôi đang có ý định đấy, nhưng bị mọi người can quá. Nếu mua máy bay, tôi sẽ mua phản lực vì hoạt động ở khu Dung Quất phải đi lại nhiều. Tôi đang xem xét thôi.
- Còn bóng đá thì sao?
- Cũng có nhiều người khuyên quay trở lại, nhưng tôi chưa tính đến.
- Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!