Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sếp Samsung: Hãy hiểu vì sao chúng tôi phải nhập linh kiện sản xuất

Theo Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, không nên quá lo lắng về công ty có vốn FDI mà cần quan tâm phát triển cộng đồng doanh nghiệp nội địa.

Quý III, xuất khẩu của Samsung vọt tăng khoảng 45%, đóng góp khá quan trọng cho tăng trưởng GDP cả nước. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn việc tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI, trong đó có Samsung.

Chia sẻ với Zing.vn, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam Bang Hyun Woo, nói câu chuyện hiện nay của Việt Nam là quan tâm đầu tư để doanh nghiệp nội có vị thế, có sức khỏe và đủ năng lực cạnh tranh với khối FDI.

Sản phẩm chiến lược đã khiến Samsung tăng vọt xuất khẩu

- Với con số kim ngạch xuất khẩu tăng vọt đến hết quý III, ông có thể chia sẻ về câu chuyện kinh doanh của Samsung Việt Nam năm 2017 với những mục tiêu cụ thể không? 

samsung dong gop cho tang truong Viet Nam anh 1
Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam. Ảnh: Hiếu Công.

- Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của chúng tôi tại Việt Nam vào khoảng 24 tỷ USD. Dự kiến đến cuối năm, Samsung sẽ tăng trưởng nhiều hơn và đặt mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD.

Với kim ngạch như vậy, dự báo Samsung sẽ chiếm khoảng 20-25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.

"Nếu Việt Nam sản xuất được những mặt hàng do Samsung cần, thì không có lý do gì chúng tôi phải nhập khẩu nhiều đến vậy".

- Thành tích xuất khẩu của Samsung trong quý III được nói đến rất nhiều và đóng góp lớn vào tăng trưởng của Việt Nam. Vì đâu trong quý III xuất khẩu lại tăng vọt, thưa ông?

- Có thể nói rằng, quý III Samsung có sản phẩm chiến lược là Galaxy Note 8. Đây là một sản phẩm chủ lực của chúng tôi. Nhờ đó, lượng xuất khẩu đã tăng lên rất nhiều, đóng góp vào tăng trưởng chung. Chúng tôi xin được cảm ơn Chính phủ Việt Nam, các cơ quan của Việt Nam đã đồng hành với Samsung trong thời gian vừa qua.

Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam trả lời phỏng vấn Zing. Theo lãnh đạo Samsung Electronics Việt Nam, Việt Nam thành tích xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng trong quý III nhờ sản phẩm chủ lực là Galaxy Note 8.

Và đặc biệt, trong sự cố cháy trạm biến áp ở Khu công nghiệp Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên), chúng tôi đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan ban ngành của Việt Nam. Nhờ vậy mà sự cố đã được khắc phục một cách nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại cho các dự án, giúp chúng tôi đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Chúng tôi rất chân thành cảm ơn vì điều này.

"Đừng quá lo lắng về chúng tôi"

- Samsung đạt thành tích xuất khẩu rất cao nhưng cũng là doanh nghiệp dẫn đầu về nhập khẩu tại Việt Nam. Việc nhập khẩu nhiều cho thấy giá trị gia tăng hàng hóa tại Việt Nam của Samsung là rất thấp. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

- Thực tế cho thấy nếu Việt Nam sản xuất được những mặt hàng do Samsung cần, thì không có lý do gì chúng tôi phải nhập khẩu nhiều đến vậy. Cái quan trọng là phải có nguyên liệu đầu vào thì Samsung mới có thể bắt đầu quá trình sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Không có cách nào khác, bắt buộc chúng tôi phải nhập khẩu nhiều trang thiết bị, nguyên liệu từ bên ngoài. Chúng tôi cũng rất muốn sử dụng trực tiếp nguyên vật liệu đầu vào từ các doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy sẽ đỡ rất nhiều chi phí cho chúng tôi.

samsung dong gop cho tang truong Viet Nam anh 2
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện vọt tăng trong tháng 9. Đồ họa: Hiếu Công.

Tuy nhiên, những loại hàng hóa này các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể cung cấp được.

Hiện nay, những máy móc, thiết bị sử dụng liên quan trong lĩnh vực điện tử chúng tôi phải nhập khẩu ở nhiều quốc gia khác. Một phần nhập khẩu từ Hàn Quốc và từ nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Samsung không phải là doanh nghiệp xuất khẩu về nông sản, thủy sản như tôm, thịt, cá. Mặt hàng của chúng tôi là công nghệ cao, bắt buộc chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu có chất lượng để phục vụ sản xuất của mình.

Chúng tôi cũng rất hy vọng người Việt Nam có cái nhìn đa chiều, hiểu được vì sao Samsung phải làm như vậy.

- Nhiều người tỏ ra không lạc quan khi GDP của chúng tôi phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp FDI. Họ cho rằng GDP có tăng trưởng nhưng người Việt Nam không “bỏ túi” được bao nhiêu trong số đó. Ông nghĩ về vấn đề này như thế nào?

samsung dong gop cho tang truong Viet Nam anh 3
Phó Tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam cho rằng Việt Nam cần đầu tư nâng cao vị thế các doanh nghiệp nội địa. Ảnh: Hiếu Công.

- Nếu xét về cá nhân, việc Samsung đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP Việt Nam là vinh dự và niềm vui với công ty của chúng tôi. Người Việt Nam lo lắng việc phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài là điều rất hiển nhiên.

Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn đa chiều hơn.

Tôi nghĩ chúng ta phải có phương án để giảm dần các mối quan ngại như vậy, đó mới là bài toán cần tính đến.

Theo tôi, các bạn không cần quá lo lắng việc nền kinh tế phụ thuộc doanh nghiệp FDI hay không. Cái quan trọng phải làm thế nào để phát triển khối doanh nghiệp nội địa của Việt Nam, để họ có vị thế, đủ sức khỏe và năng lực sánh ngang với các doanh nghiệp lớn đến từ nước ngoài. 

Việt Nam cũng hãy tiếp tục thu hút thêm những nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia khác nhau. Chắc chắn khi đó, việc phụ thuộc vào một số ít doanh nghiệp ngoại sẽ được chia sẻ. Tôi nghĩ phương án giải quyết vấn đề này cần có định hướng thực sự tích cực.

Samsung hiện có 6 nhà máy tại TP.HCM, Thái Nguyên và Bắc Ninh. Tổng vốn đầu tư của các dự án tại Việt Nam khoảng 17 tỷ USD, đã giải ngân được 10 tỷ USD.

Theo thống kê, các nhà máy của Samsung Việt Nam đã thu hút 136.700 lao động trên toàn quốc. Đến cuối năm 2016, các nhà máy tại Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm tới 52 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch năm ngoái đạt khoảng 40 tỷ USD.

Samsung cũng được giao chỉ tiêu xuất khẩu để đạt tăng trưởng GDP

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, không chỉ các bộ ngành mà doanh nghiệp lớn cũng được giao chỉ tiêu để đạt mức tăng trưởng GDP của cả nước.

Hiếu Công (Thực hiện)

Bạn có thể quan tâm