Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, điều hành với quyết tâm phải đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho cả năm 2017 là 6,7%.
Theo đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 24 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội năm 2017, trong đó giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực.
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Ảnh: VGP/Quang Hiếu . |
Chính phủ yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị này của Thủ tướng, đây là nhiệm vụ chính trị, phấn đấu thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tiết lộ các tập đoàn kinh tế lớn như PVN, EVN cũng được giao nhiệm vụ tăng trưởng… Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn nước ngoài cũng được kêu gọi chung tay nỗ lực để cả nước đạt mức tăng trưởng đề ra.
Bộ trưởng lấy ví dụ Công ty điện tử Samsung Việt Nam cũng được giao chỉ tiêu, cụ thể là xuất khẩu đạt khoảng 50 tỷ USD, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong cả nước.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt 33 tỷ USD. Công nghiệp phải tăng 7,91%, trong đó các ngành khai khoáng, chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện, ngành xây dựng phải tăng trên 10%. Khu vực dịch vụ phải tăng trưởng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng 30%.
Mục tiêu tăng trưởng một số lĩnh vực chủ yếu. Đồ họa: Hiếu Công. |
Bộ trưởng nhấn mạnh năm 2016 Việt Nam thu hút 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Vì vậy, năm 2017, cả nước phấn đấu đón 14 triệu lượt khách.
Về các giải pháp cơ bản năm 2017 và trong trung, dài hạn, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chủ động, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Chính phủ cũng đề ra các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong từng ngành lĩnh vực. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế.
Các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các ngành chủ yếu của nền kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động; xây dựng, nhất là xây dựng công trình dân sinh; dịch vụ, du lịch... cũng được yêu cầu triển khai.