Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì 7 đồng từ khu vực FDI

Đó là con số ám ảnh các chuyên gia kinh tế khi đánh giá vai trò của nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI sau 30 năm thu hút đầu tư. Doanh nghiệp Việt vẫn chưa chen được chân vào chuỗi.

Phát biểu tại tọa đàm 30 năm lan tỏa vốn FDI tại Việt Nam chiều 6/10, GS. Nguyễn Mại cho biết Việt Nam đã thu hút khoảng 167 tỷ USD trong 30 năm qua từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế của Việt Nam.

FDI vào bất động sản nhiều thứ hai

Ông Mại nhấn mạnh hiệu ứng vốn FDI với Việt Nam là rất lớn, góp phần tạo ra các ngành nghề mới, đưa công nghệ mới vào Việt Nam. Có những ngành đã có công nghệ tiên tiến so với thế giới như dầu khí, điện tử, viễn thông...

30 nam von FDI anh 1
Ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư ngoài nước . Ảnh: Hiếu Công.

Một thông tin đáng chú ý tại tọa đàm, Việt Nam đã thu hút được tới 51,1 tỷ USD vào bất động sản. Theo đó, vốn FDI vào bất động sản nhiều thứ 2, chỉ sau lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư ngoài nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết việc thu hút FDI vào bất động sản cũng giống như nhiều lĩnh vực khác. Theo đó, FDI vào bất động sản tạo sự sôi động của thị trường, tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Thị trường cũng có nhiều sản phẩm hơn, tính cạnh cao hơn trong doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, thu hút FDI trong bất động sản cũng lan tỏa, tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực khác.

Khi được hỏi, Việt Nam có khuyến khích vốn đổ vào thị trường bất động sản không, so với các ngành khác tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn như chế biến chế tạo, ông Đặng Xuân Quang cho rằng không.

“Từ trước đến nay, vốn FDI đổ vào bất động sản là nhiều nhưng chúng ta không khuyến khích. Chúng ta ưu tiên những ngành có chuyển giao công nghệ, công nhệ cao, mang lại nhiều công an việc làm hơn”, ông Quang nói.

‘Vai trò của vốn FDI có một con số khiến tôi rất ảm ảnh’

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vốn FDI nói chung có sự lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Ông Tuấn lấy ví dụ ở tỉnh nào có nhiều FDI thì ở đó chất lượng chuyển biến về hành chính ở đó tốt hơn địa phương khác.

30 nam von FDI anh 2
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),. Ảnh: Hiếu Công.

“Quan chức ở đó chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ công ở các tỉnh đó tốt hơn. Không chỉ doanh nghiệp FDI mà còn các doanh nghiệp trong nước cũng hưởng lợi”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, sau 30 năm thu hút vốn FDI, sự đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn. Việt Nam đã có nhiều ngành mới, thu ngân sách tăng, xuất khẩu tăng, giải quyết công ăn việc làm nhờ một phần lớn vào vốn FDI.

Tuy nhiên, không chỉ ông Đậu Anh Tuấn mà nhiều chuyên gia khách lo ngại lượng xuất khẩu áp đảo chiếm 75% của khu vực FDI là không tốt với nền kinh tế.

“Vai trò của FDI có một con số rất ám ảnh. Cách đây 10 năm thì 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì 5 đồng thuộc về doanh nghiệp FDI, nhưng đến nay con số này là 7,5 đồng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Điều này phản ánh doanh nghiệp Việt không thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chuyên gia lo ngại, doanh nghiệp FDI chỉ đến Việt Nam với chi phí rẻ, cạnh tranh.

“Yếu tố hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài vẫn là chi phí, nhưng với những thay đổi trong những năm vừa rồi, với lương cơ bản được điều chỉnh tăng, chất lượng nhân lực,... thì liệu Việt Nam có còn là một điểm đến hấp dẫn hay không?”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

30 nam von FDI anh 3
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh: Hiếu Công.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước rất khiêm tốn. Có những cuộc điều tra cho thấy, các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ.

Phó tổng giám giám đốc Samsung Việt Nam Bang Hyun Woo cũng thừa nhận doanh nghiệp Việt đủ sức tham gia vào chuỗi cung cứng của họ là rất hạn chế.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam rất khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của chúng tôi”, ông Bang nhấn mạnh.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, cũng nhiều chuyên gia đề xuất cần tăng cường kỷ cương yêu cầu doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Chính phủ cần hỗ trợ để doanh nghiệp Việt có thể phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI.



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm