Cụ thể, quỹ tiền lương thực hiện năm 2013 của viên chức quản lý Petro Vietnam là 8.368 triệu đồng. Trong số này, quỹ tiền lương của 7 viên chức quản lý trong 4 tháng đầu năm, gồm thành viên chuyên trách Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc là 1.744 triệu đồng. Quỹ tiền lương của viên chức quản lý trong 8 tháng cuối năm, kể cả phó tổng giám đốc và kế toán trưởng, là 6.624 triệu đồng.
Ông Đỗ Văn Hậu (bên trái) và ông Phùng Đình Thực. Theo Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, thù lao cao nhất cho chủ tịch hội đồng thành viên một doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, tương đương 432 triệu đồng/năm. |
Quyết định nêu chi tiết rằng, ông Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petro Vietnam nhận mức lương 36 triệu đồng/tháng cho khoảng thời gian 8 tháng cuối năm 2013. Còn Tổng giám đốc Petro Vietnam, ông Đỗ Văn Hậu, nhận ít hơn một chút, ở mức 35 triệu đồng/tháng.
16 vị khác là thành viên Hội đồng Thành viên hoặc phó tổng giám đốc Petro Vietnam nhận mức lương 32 triệu đồng/tháng.
Theo Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, thù lao cao nhất cho chủ tịch hội đồng thành viên một doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, tương đương 432 triệu đồng/năm. Trong trường hợp đơn vị làm ăn tốt, lãnh đạo có thể được thưởng thêm, song tối đa không quá 1,5 lần mức lương nêu trên. Quy định này hiện được coi là khá “cứng nhắc”, không phù hợp tình hình thực tế.
Đầu năm nay, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện rất “khó sống” với mức lương tối đa được quy định là 36 triệu đồng một tháng, đồng thời đề xuất rằng "tiền lương tại doanh nghiệp Nhà nước phải theo cơ chế thị trường".