Lớn khó sống
Mới đây, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phàn nàn lãnh đạo nhiều Tập đoàn, Tổng công ty hiện rất "khó sống" với mức lương tối đa 36 triệu đồng một tháng. Mà BIDV, sau khi cổ phần hóa, vẫn còn tới 95% cổ phần thuộc về Nhà nước.
Nếu thực hiện tốt công việc của mình, lãnh đạo cũng chỉ nhận được mức lương “kịch trần” cao gấp 1,5 lần, tức 54 triệu đồng/tháng, tương đương 648 triệu đồng/năm. Mức lương “kịch trần” này cũng chỉ bằng một nửa lương của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn REE. Còn nếu so sánh với bầu Đức, lương sếp Tập đoàn Nhà nước cả năm cũng chỉ bằng một nửa.
Vậy nên rất dễ hiểu khi ông Trần Bắc Hà phàn nàn về khoản lương “khiêm tốn” này. Ông cám cảnh “Không sống được cũng phải cố sống, bởi dẫu sao cũng cao hơn lương của công chức Nhà nước.
Dù không công bố cụ thể thù lao của ban lãnh đạo, nhưng rõ ràng cũng như BIDV, ba thành viên còn lại trong nhóm “tứ đại gia ngân hàng” là Agribank, Vietcombank và Vietinbank khó có thể đãi ngộ các sếp lớn của mình với thu nhập trên trời.
Vietcombank là một trong những ngân hàng có chế độ lương thưởng tốt. Năm 2013, quỹ lương dành cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát (gồm 12 người) là 12,33 tỷ đồng. Trung bình, mỗi người nhận hơn 1,02 tỷ đồng/năm, tương ứng 85,6 triệu đồng/người/tháng.
Sang năm 2013, Đại hội đồng cổ đông phê duyệt mức thù lao đối với Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát là 0,35% lợi nhuận sau thuế. Với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.371 tỷ đồng. Như vậy, các sếp lớn nhận được tổng cộng 15,3 tỷ đồng. Trung bình mỗi người nhận được 1,02 tỷ đồng/người/năm, tương đương 85,6 triệu đồng/người/tháng, không đổi so với năm 2012.
Tại Vietinbank, mức lương cho lãnh đạo Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành bình quân trong năm 2012 là 73,2 triệu đồng/người/tháng, tương đương 878,4 triệu đồng/người/năm. Tới năm 2013, quỹ lương dành cho các sếp lớn là 0,29% lợi nhuận sau thuế, tương ứng 16,8 tỷ đồng. Thu nhập các sếp lớn giảm nhẹ xuống 73 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV phàn nàn về mức lương thấp của lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, nhưng các con số báo cáo tại BIDV cho thấy lãnh đạo ngân hàng này có mức thu nhập không hề thấp chút nào.
Năm 2012, BIDV chi 0,45% lợi nhuận sau thuế cả năm cho Ban lãnh đạo, bao gồm các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Quỹ lương này đạt 14,8 tỷ đồng.
Sang năm nay, BIDV dự kiến chi 0,44% lợi nhuận sau thuế 2013 (17,9 tỷ đồng) cho quỹ thù lao này. Trung bình, mỗi thành viên nhận được 1,2 tỷ đồng/người/năm, tương đương 100.000 đồng/người/tháng. Rõ ràng con số này cao hơn rất nhiều so với con số 36 triệu đồng/tháng, hay mức “kịch trần” 54 triệu đồng/người/tháng của Doanh nghiệp Nhà nước.
Agribank chưa cổ phần hóa nên thông tin tài chính về ngân hàng này khá nhỏ giọt.Bé giàu sụ
Có thể thấy, mức lương bình quân lãnh đạo của các ngân hàng lớn dao động từ hơn 70 triệu đồng/người/tháng tới 100 triệu đồng/người/tháng. Đây chỉ là lương bình quân nên chắc chắn các chức danh lớn như Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Tổng giám đốc sẽ có thu nhập cao hơn rất nhiều so với con số này.
Như vậy, thu nhập sếp lớn của nhóm “tứ đại ngân hàng” cao hơn rất nhiều so với mức “khó sống” mà ông Trần Bắc Hà than hộ lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước. Và nó còn cao hơn nhiều lần so với thu nhập bình quân của người Việt Nam. Vì vậy, dù biết là sếp lớn, chi phí nhiều, nhưng không ít người đã chạnh lòng bởi lời than “khó sống” của ông Hà.
Lãnh đạo nhóm ngân hàng lớn nhận mức lương “khủng” ngót nghét 100 triệu đồng/người/tháng, nhưng mức thu nhập này lại vẫn khiêm tốn so với những gì mà nhiều đồng nghiệp tại các ngân hàng thương mại nhận được.
Cuối năm 2013, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank khiến không ít người ngạc nhiên, khi tự nguyện “hy sinh” cắt giảm 50% lương của mình. Và nhiều người tò mò không biết lương của ông Dũng bao nhiêu mà muốn cắt giảm nhiều như vậy.
Năm 2012, thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát được nhận 1,5% lợi nhuận sau thuế. Lợi nhuận sau thuế 2012 chỉ đạt 60% kế hoạch, nhưng cũng giúp quỹ lương của các sếp đạt 32,1 tỷ đồng. Trung bình, mỗi sếp Eximbank nhận 3 tỷ đồng/người/năm, tương đương 250 triệu đồng/người/tháng. Nếu Eximbank thực hiện đủ kế hoạch thì mức lương dành cho mỗi sếp sẽ là 4 tỷ đồng/năm thay vì 3 tỷ đồng.
Sang 2013, quỹ lương dành cho nhóm sếp dự kiến 1,5% lợi nhuận sau thuế. Nếu theo dự kiến, quỹ lương này sẽ đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trung bình, mỗi lãnh đạo nhận khoảng 760 triệu đồng/người/năm và 63,3 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, trong 2013, thu nhập ban lãnh đạo Eximbank giảm vô cùng mạnh so với năm 2012. Trên thực tế, con số này còn giảm mạnh hơn, vì như ông Dũng đã tuyên bố, ông tình nguyện cắt giảm 50% lương.
Thu nhập lãnh đạo Eximbank giảm mạnh vì ngân hàng này có một năm hoạt động kém hiệu quả. Quý 4/2013, Eximbank lỗ 208 tỷ đồng, đây là quý lỗ đầu tiên kể từ ngày lên sàn 27/10/2009. Cả năm, Eximbank lãi 658 tỷ đồng, giảm 69% so với năm trước và chỉ hoàn thành 20,5% kế hoạch đề ra.
Ở nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác, thu nhập của sếp lớn cũng ở mức cao ngất ngưởng. Trung bình, mỗi sếp lớn tại ACB, Sacombank, MB, lần lượt nhận là 192,6 triệu đồng/người/tháng, 149,2 triệu đồng, 87,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm nay, nhiều khả năng, thu nhập của sếp lớn sẽ giảm sút khi hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng không được như dự kiến. Nhưng dù sao, các sếp của ngân hàng thương mại cổ phần vẫn kiếm bộn hơn các sếp ở ngân hàng trong nhóm “tứ đại gia”.
Cho tới hiện tại, ông Nguyễn Đức Vinh, cựu CEO Techcombank là người nhận lương cao nhất, khi kiếm được khoảng 1 triệu USD/năm. Tuy nhiên, đây là con số chính thức. Còn với những ngân hàng thuê CEO ngoại, chi phí họ bảo ra có thể lên tới 2 triệu USD/năm, theo mức bình quân của khu vực.