Việt Nam đang đàm phán để tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó vòng đàm phán về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Đang có nhiều ý kiến bi quan về tiến độ cải cách loại hình doanh nghiệp này.
Yêu cầu về cải cách DNNN tuy có khác biệt ở từng quốc gia, song nền tảng thị trường là yếu tố bất di bất dịch với tất cả các thành viên TPP trong tương lai. Cho nên, dù kết quả đàm phán có như thế nào, thì kiểu hoạt động như của các DNNN Việt Nam bấy lâu nay sẽ khó có thể tồn tại trong "sân chơi" TPP.
Không muốn thay đổi?
Cải cách DNNN đã được thực hiện từ lâu, với việc chuyển đổi, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Tuy nhiên, kết quả thực tiễn lại cho thấy, dù rất quyết liệt nhưng khó hoàn thành kế hoạch đề ra. Có vẻ như tốc độ cải cách ngày càng chậm lại, nhất là khi động chạm tới những DNNN lớn.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ở những nước tiên tiến, tỷ trọng DNNN chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế quốc dân, khoảng dưới 10%. Tại Việt Nam, DNNN đang chiếm tỷ trọng rất lớn tới khoảng 28% GDP, nếu cộng với 5 ngân hàng thương mại quốc doanh, tỷ trọng lên đến 34% GDP. Trên thế giới, không có một nền kinh tế thị trường nào mà quốc doanh chiếm một tỷ lệ lớn như Việt Nam. Một nền kinh tế thị trường mà khu vực DNNN lớn như vậy, ông Doanh cho rằng cầm chắc là không hiệu quả. Khối doanh nghiệp này hiện chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% đầu tư nhà nước, 60% vốn vay từ ngân hàng và chiếm tới hơn một nửa tổng nợ xấu.
Cải cách DNNN là yêu cầu không thể thiếu khi Việt Nam đàm phán gia nhập TPP. |
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu tại một hội thảo hồi tháng 5 vừa qua, chất lượng nhiều đề án tái cơ cấu mà DNNN đã trình chỉ nặng về báo cáo thành tích, chung chung. Các ý tưởng, phương án tái cơ cấu không thuyết phục, chưa thực sự là tâm huyết của DN. Hơn nữa việc, cổ phần hóa chỉ mới là hình thức chuyển đổi chủ sở hữu của DNNN chứ chưa thực sự đúng nghĩa, chưa mang lại kết quả như mong đợi. Tư tưởng quản lý và kỹ năng quản trị chưa được cải thiện, vẫn mang nặng phong cách cũ.
Về phía quản lý Nhà nước đến nay cũng cho thấy đang thiếu những biện pháp mạnh tay để cải cách triệt để các DNNN. Chỉ đơn cử vấn đề, Chính phủ yêu cầu thoái vốn để khắc phục đầu tư ngoài ngành và sở hữu chéo, song cũng lại yêu cầu không được làm thất thoát vốn khi thị trường chứng khoán, bất động sản đóng băng và xì hơi. Chính vì vậy, nhiều DNNN đã vin cớ này để chậm thoái vốn.
Mới đây Bộ Tài chính đã phải đề xuất lên Chính phủ một biện pháp hành chính là có thể cách chức đối với lãnh đạo DNNN trì hoãn, không tiến hành thoái vốn ngoài ngành để buộc người đứng đầu DN thực sự phải đẩy nhanh tiến độ hoặc chịu xử lý.
Sợ phải chia sẻ quyền lực
Tuy nhiên, cái mà nhiều chuyên gia quan tâm nhất hiện nay khi thực hiện cải cách DNNN là vấn đề con người, cũng như hoàn thiện các cơ chế quản lý DNNN.
Theo bà Đào Thị Thiên Hương, Phó giám đốc Dịch vụ tư vấn PWC Việt Nam, khái niệm tái cấu trúc đến nay có lẽ đã trở thành câu cửa miệng của nhiều DN, nhưng thực sự tái cấu trúc như thế nào không hề đơn giản. “Tôi tin rằng, tái cấu trúc đối với các DN Việt Nam không đơn thuần là lập chiến lược thoái vốn ở một mảng kinh doanh nào đó, hay cổ phần hóa mà là cuộc cải cách tổng thể từ chiến lược, cấu trúc DN đến quy trình, công nghệ và con người” - bà nói.
Trong đó, vấn đề con người vẫn là quan trọng nhất. Bà Hương cho hay từ thực tế tư vấn cho các DN Việt Nam bà thấy nổi lên vấn đề: khi thực hiện tái cấu trúc một cách nghiêm túc và khoa học sẽ khiến DN hoạt động theo hệ thống, ít phụ thuộc vào một số cá nhân, đồng thời dẫn đến việc phải chia sẻ quyền lực, điều này thường không dễ chấp nhận bởi chính những người đang nắm giữ quyền lực đó. Bên cạnh đó, các cấp quản lý trung gian thường có suy nghĩ cải tổ sẽ dẫn đến nguy cơ những người cũ mất việc làm hoặc bị thay bởi những người mới.
Muốn thành công thì các “sếp” cần phải quyết tâm thực hiện và lãnh đạo quá trình cải cách cũng như ban hành chính sách thưởng phạt nghiêm minh. Ngoài ra, cần có sự tham gia sâu rộng của cấp quản lý trung gian, tập trung vào việc đề ra giải pháp và hướng tới lợi ích đạt được, bà Hương nhấn mạnh.
Để có những người lãnh đạo DN có quyết tâm cao và có tư duy, chiến lược, tầm nhìn xa nhằm đưa công cuộc cải cách đến thành công thì việc cần thiết là sử dụng biện pháp mạnh, thậm chí sa thải lãnh đạo cấp cao.
Nói vậy nhưng làm được việc này là không hề đơn giản. Ngay cả việc kỷ luật nhẹ nhàng lãnh đạo một DNNN còn khó, huống chi cách chức. Chưa kể thay rồi thì việc chọn người cũng không hề đơn giản. Với các tập đoàn, tổng công ty 91, nhân sự từ ủy viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc đều phải qua bộ quản lý ngành và Bộ Nội vụ thẩm định, sau đó mới trình Thủ tướng xem xét. Cách làm nhân sự lâu nay ở các DNNN vẫn na ná việc chọn nhân sự cho cơ quan Nhà nước, vì thế rất khó thay đổi lãnh đạo. Đây là lý do khiến nhiều DNNN hoạt động kém hiệu quả nhưng các sếp vẫn tại vị đến khi nghỉ hưu.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, lãnh đạo DNNN ở Việt Nam hiện không khác gì một công chức. Mọi việc đều xin ý kiến “cấp trên”. Người thi hành rất thoải mái do không phải là người quyết định, đẩy trách nhiệm lên cấp cao hơn. Vì vậy dù thay đổi thế nào đi nữa cũng không có nhiều biến chuyển bởi vướng tư duy công chức. Cải cách cần phải đặt trọng tâm vào thay đổi là con người và quy chế quản lý DNNN.
Theo ông Kim, cần phải thay đổi quy chế dành cho những người lãnh đạo và nhân sự trong các DNNN hiện nay. Trước hết, lãnh đạo DNNN không nên là người của Nhà nước mà cần thuê ngoài. Nhà nước chỉ cử người đại diện của mình giám sát các hoạt động dựa trên những tiêu chí đặt ra. Nếu vẫn là những con người của Nhà nước, ăn lương Nhà nước, vẫn những tư duy cũ thì không khác gì bình mới rượu cũ và dẫn đến không thể thay đổi triệt để.
Cùng với đó, phải làm rõ hơn nữa mối quan hệ giữa chủ sở hữu Nhà nước, người đại diện chủ sở hữu với người thực hiện quyền sở hữu tức chủ DN. Giám đốc có quyền bao nhiêu, người đại diện chủ sở hữu quyền bao nhiêu. Không làm rõ vấn đề này thì không thể xử lí nghiêm được người đứng đầu DNNN khi làm ăn thua lỗ.