Theo quy định tại Nghị định 51, lương cao nhất dành cho chủ tịch HĐQT doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng. Nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được thưởng thêm 1,5 tháng lương, thu nhập một tháng của một chủ tịch HĐQT doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ xấp xỉ gần 90 triệu đồng.
Trường hợp điển hình là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), một trong những doanh nghiệp nhà nước có giá trị vốn hóa cũng như kết quả kinh doanh đứng đầu thị trường, nhưng chủ tịch chỉ được hưởng lương 70 triệu đồng/tháng. Mức lương dành cho phó chủ tịch và các thành viên HĐQT chỉ là 57-59 triệu đồng.
Nếu tính thêm khoản thưởng 30 triệu đồng/tháng thì thu nhập của vị chủ tịch tập đoàn có lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng trong năm 2012 cũng chỉ là 1,2 tỷ đồng, chưa bằng một nửa số lương của sếp công ty Thoát nước đô thị TP.HCM.
Tương tự ở Tổng công ty bia và nước giải khát Sài Gòn, dù là doanh nghiệp có đến 90% vốn nhà nước và có lợi nhuận năm 2012 vượt 16% kế hoạch, đạt hơn 2.700 tỷ đồng, nhưng lương của chủ tịch cũng chỉ ở mức 34 triệu đồng/tháng.
Chuyện giám đốc công ty Thoát nước đô thị tại TP.HCM nhận mức lương "khủng", lên tới hơn 200 triệu đồng/tháng, tương ứng tổng thu nhập 2,6 tỷ đồng/năm đã làm rúng động thị trường trong những ngày qua. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là mức lương này có đúng pháp luật, và dựa vào đâu để doanh nghiệp trả lương cho lãnh đạo với mức "cao bất thường" đến thế.
Mức lương "khủng" của lãnh đạo các công ty dịch vụ công ích tại TP.HCM không chỉ khiến các chuyên gia giật mình mà còn khiến người lao động hoang mang. |
Trong buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2012 diễn ra tháng 5 vừa rồi, đại diện Kiểm toán Nhà nước từng khẳng định, tại các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, đơn giá tiền lương là do hội đồng thành viên quyết định. Do đó, mức lương của 4 doanh nghiệp bị thanh tra lần này không chịu áp mức lương hệ số, mà do nội bộ đơn vị họp và quyết định.
Tuy nhiên, theo quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, công khai thông tin tài chính với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và có vốn Nhà nước, được ban hành mới đây với những người quản lý doanh nghiệp Nhà nước làm chủ sở hữu, ngoài trách nhiệm nặng nề, căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ sẽ được chi thưởng. Mức tối đa cho cán bộ quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 1,5 tháng lương, nếu hoàn thành nhiều nhất được 1 tháng lương, không hoàn thành không được thưởng.
Thực tế, lương của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không phụ thuộc nhiều vào vốn điều lệ hay lợi nhuận của doanh nghiệp. Thị trường từng xôn xao trước việc sếp của hai tập đoàn, tổng công ty báo lỗ lớn trong năm 2011 là Petrolimex và EVN nhận mức lương gần hơn 600 triệu đồng/năm.
Theo đó, dù Petrolimex lỗ hơn 1.400 tỷ đồng năm 2011, trong đó chủ yếu là lỗ từ kinh doanh xăng dầu với mức hơn 2.358 tỷ đồng, nhưng Chủ tich tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vẫn được hưởng lương 58 triệu đồng/tháng, gấp gần 10 lần so với mức trung bình toàn tập đoàn. Còn EVN, dù lỗ năm 2011 là 3.500 tỷ đồng nhưng lãnh đạo tập đoàn vẫn được trả lương 51 triệu đồng/tháng.
Lý giải về điều này, đại diện Kiểm toán Nhà nước từng cho biết, với trường hợp Petrolimex, đúng là công ty này kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên theo các điều khoản về quản lý tiền lương và thu nhập, yêu cầu doanh nghiệp phải có lợi nhuận trừ trường hợp Nhà nước có quyết định can thiệp để nhanh chóng bình ổn thị trường.
"Petrolimex đã rơi vào trường hợp này. Vì Petrolimex có tham gia vào bình ổn thị trường nên dù kinh doanh thua lỗ vẫn được trả mức lương cao như thế. Mức lương này của lãnh đạo Petrolimex cũng đã được chấp thuận của bộ Lao động Thương binh & Xã hội", vị này cho hay.
Song, công ty Thoát nước đô thị TP.HCM và 3 đơn vị chi lương khủng mà TP.HCM vừa thanh tra không nằm trong trường hợp này. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, mức chi lương khủng này gây phản cảm xã hội và thể hiện sự thiếu công bằng, khi chênh lệch giữa công nhân lao động và lãnh đạo lên tới 41 lần.
"Tiền lương về cơ bản được xác định trên cơ sở tuân thủ hai nguyên tắc chính, là những quy định trong điều lệ của công ty và năng suất lao động, hiệu suất công tác của đơn vị. Với mức lương quá cao lên tới 200 triệu đồng/tháng, tôi cho rằng nó không tuân thủ bất cứ nguyên tắc nào trên đây, và giám đốc doanh nghiệp đã tự đánh giá mình quá cao", ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho biết, nếu giám đốc doanh nghiệp này cho rằng mức lương được thực hiện trên thỏa thuận với người lao động thì đây là một căn cứ tính lương thiếu cơ sở. Bởi nếu lãnh đạo công ty tự đưa ra mức thưởng cao cho mình thì chắc chắn chẳng công nhân, nhân viên nào dám phản đối. Hoặc là họ đồng ý, hoặc là họ mất việc.
Theo kiến nghị của ông Phong, cả 4 doanh nghiệp trên đều là các đơn vị của nhà nước, nên quy chế trả lương phải theo quy định, bảo đảm sự công bằng, minh bạch và trách nhiệm xã hội của lãnh đạo đơn vị. "Nếu đúng là doanh nghiệp làm ăn có lãi lớn, gần gấp đôi so với vốn điều lệ thì đây là một trường hợp đặc biệt, và gần như không tưởng, bởi tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình của xã hội hiện chỉ là 10%, mà riêng doanh nghiệp này, con số đã lên tới gần 200%. Nhà nước cần có chế tài mạnh hơn để yêu cầu các lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị nhà nước công khai về tài sản, thu nhập, thay vì chờ đợi kết quả những lần thanh tra".
Thu hồi lương chi sai trong tháng 9 Theo công văn vừa được Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị gửi thường trực UBND TP.HCM, Chủ tịch hội đồng thành viên của doanh nghiệp đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong ban quản lý điều hành công ty để giải quyết những kết luận về việc chấp hành luật lao động và quy chế tiền lương. Theo đó, hội nghị đã yêu cầu giám đốc công ty khắc phục ngày những hậu quả và sai phạm đã gây ra trong việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động, tiền lương diễn ra trong 2 năm qua. Cụ thể, trước ngày 15/9, công ty sẽ khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại cho hơn 500 lao động đang ký hợp đồng thời vụ 3 tháng và 1 năm với công ty. Toàn bộ số tiền chi tiền lương, thưởng đối với 7 viên chức quản lý sai quy định trong 2 năm (từ 2011 đến 2012) sẽ được thu hồi trong tháng 9. Ngoài ra, các thành viên trong ban quản lý điều hành sẽ phải viết bản kiểm điểm cá nhân để xác định trách nhiện và sai phạm của mình, tự nhận hình thức kỷ luật và biện pháp khắc phục hậu quả. |