Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội tối 12/6, Bộ trưởng Jim Mattis nói rằng ông cảm thấy "sốc" về tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ kể từ sau khi về hưu năm 2013. Ông cũng cáo buộc quốc hội giải quyết vấn đề ngân sách "bằng sự uể oải, không phải với vai trò lãnh đạo".
"Tôi rời quân ngũ 3 tháng sau khi việc cắt giảm ngân sách có hiệu lực", ông Mattis nói với các thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện. "4 năm sau, tôi quay lại Bộ (Quốc phòng) và tôi sốc trước những gì tôi thấy về sự sẵn sàng chiến đấu của chúng ta".
"Không kẻ thù nào gây tổn hại đến sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội hơn là việc cắt giảm ngân sách", AFP trích lời tướng Mattis trong phiên điều trần.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis trước giờ diễn ra phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 12/6. Ảnh: Reuters. |
"Trong quá khứ, việc không thông qua ngân sách đúng hạn hay gạt bỏ nguy cơ cắt giảm ngân sách, quốc hội tự loại mình khỏi vai trò giám sát hiến định. Quốc hội cản trở các chương trình mới, kìm hãm quân đội phát triển, kéo lùi sáng tạo, đẩy binh lính vào những rủi ro lớn hơn", người đứng đầu Lầu Năm Góc nói thêm.
"Mặc dù ủy ban này (Ủy ban Quân vụ Hạ viện) đã có những nỗ lực lớn lao, về tổng thể quốc hội đã xử lý thách thức hiện tại bằng sự uể oải, không phải với vai trò lãnh đạo", ông Mattis chỉ trích.
Theo AFP, Lầu Năm Góc đề nghị 639 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng năm 2018, bao gồm 10 tỷ USD bổ sung cho chi tiêu thời chiến. Con số này tăng khoảng 10% so với ngân sách năm 2017, dù chỉ cao hơn 3% so với mức chi thời Obama.
Dù vậy, mức đề nghị trên vượt quá con số 549 tỷ USD được cho phép theo Luật Kiểm soát Quân sách của Mỹ. Trong khi đó, nhiều thành viên theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa cho rằng sự gia tăng này vẫn không đủ để tái thiết quân đội.
Ông Mattis được cho là phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ cả hai đảng trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện diễn ra tối 12/6. Phe Cộng hòa có thể gây sức ép với ông trong vấn đề ngân sách quốc phòng trong khi phe Dân chủ muốn chất vấn về việc chính quyền Trump muốn cắt giảm các chương trình ngoại giao.