Đến Việt Nam sau 3 tháng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Đông Á, Australia và New Zealand, nhóm Bán hàng, Marketing và Truyền thông của Tập đoàn Intel, ông Simon Chan cho hay trong các thị trường mà ông phụ trách, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ông đến làm việc.
Chia sẻ với Tri Thức Trực Tuyến, ông bày tỏ tin tưởng Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, với tăng trưởng GDP những năm qua luôn ở mức cao. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển đổi số cũng đang diễn ra ở tất cả lĩnh vực từ kinh tế, sản xuất, thương mại đến y tế, giáo dục, thậm chí trong các hoạt động của Chính phủ và cơ quan Nhà nước.
Điều đáng nói, trung bình mỗi ngày có đến 72 triệu người Việt sử dụng Internet, lượng người chơi thể thao điện tử cũng lên đến 18 triệu. Ông Simon nhấn mạnh cơ cấu dân số trẻ, năng động, đồng thời đam mê và am hiểu công nghệ ở Việt Nam là động lực tăng trưởng lớn cho Intel.
"Tôi rất hào hứng với thị trường Việt Nam. Thực ra trước khi nhậm chức một tuần, tôi đã đến làm việc với đội ngũ Intel ở Việt Nam để tìm hiểu về các cơ hội và thách thức tại đây, đồng thời trao đổi với các nhà phân phối lớn. Chắc chắn tôi sẽ còn đến Việt Nam thường xuyên và dành nhiều thời gian để tập trung phát triển thị trường", ông Simon nhấn mạnh.
Ông Simon Chan cho rằng thị trường máy tính ở Việt Nam sẽ khôi phục trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Intel. |
Theo ông, từ trước Covid-19, Intel đã phát triển rất tốt ở Việt Nam nhờ thị trường trẻ, năng động và làn sóng chuyển đổi số. Khi đại dịch xảy đến, người tiêu dùng cá nhân lại càng sử dụng nhiều máy tính hơn để làm việc, học tập và giải trí, trong khi các doanh nghiệp cũng gấp rút xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới.
Bước ra khỏi đại dịch, nhu cầu vẫn không ngừng tăng lên khi nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình làm việc linh hoạt, hệ sinh thái từ máy tính đến lưu trữ đám mây đều ghi nhận nhu cầu tiếp tục tăng.
"Nửa đầu năm nay có một vài thách thức, thị trường đã bắt đầu điều chỉnh, lượng hàng tồn kho tăng lên, đặc biệt là tại các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM). Chúng tôi vẫn rất cẩn trọng về kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng thị trường máy tính ở Việt Nam sẽ phục hồi nhẹ vào nửa cuối năm, bởi thực tế tồn kho đã dần được cải thiện", ông Simon nói.
Thời gian tới, vị lãnh đạo cho biết Intel sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt được dự báo tăng trưởng tốt tại Việt Nam, bao gồm ngân hàng, viễn thông, sản xuất, giáo dục và dự án Chính phủ.
Bên cạnh đó, để đón đầu sự phục hồi của thị trường trong nửa cuối năm, ông lớn công nghệ này sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm, giải pháp mới, cũng như đầu tư mạnh vào các hoạt động quảng bá, truyền thông tại Việt Nam.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống đối tác và làm việc chặt chẽ với các đối tác OEM cũng như đối tác bán lẻ để xây dựng lộ trình cho các giải pháp đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng tại Việt Nam.
Ở lĩnh vực sản xuất, ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết nhà máy ở Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược IDM 2.0 và “4 năm, 5 tiến trình” mà CEO Pat Gelsinger công bố vào năm 2021.
Đến nay, Intel đã đầu tư tổng cộng 1,5 tỷ USD vào nhà máy tại Việt Nam. Đây cũng là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của tập đoàn, hiện sản xuất hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu.
Giai đoạn 2010-2022, Intel xuất khẩu hơn 3,5 tỷ sản phẩm từ Việt Nam, tính từ năm 2010 đến nay, tổng giá trị xuất khẩu lên đến 76,3 tỷ USD.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.