Mới đây, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết trong năm 2016, tập đoàn đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Lượng điện thương phẩm đạt 159,45 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015 và vượt 350 triệu kWh so với kế hoạch.
Năm nay, toàn hệ thống điện có thể đạt 32.340 MWh, tăng 12,25% so với năm trước. Tuy nhiên ông An thừa nhận ngành đang phải nỗ lực để có thể đáp ứng đủ điện cho 2 triệu người dùng tăng thêm.
Nhiều khó khăn, thách thức
Ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Kiều Vui. |
Ông chỉ ra hàng loạt khó khăn lớn của ngành như sản lượng điện sản xuất của EVN hiện chỉ chiếm khoảng 43,5%. Việc đảm bảo cung ứng điện cho toàn quốc phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN trong khi vấn đề đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, nhất là đảm bảo cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ sau khi nhà máy xử lý khí GPP Cà Mau đưa vào vận hành từ tháng 4/2017 vẫn là khó khăn lớn.
Một số yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành. Những yếu tố này gồm có biến động tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng. Từ tháng 12/2016, giá than tiếp tục tăng khoảng 7%...
“Chúng ta bị lệ thuộc rất nhiều vào hệ thống 500kV Bắc - Nam, bắt nguồn từ Vũng Áng rẽ qua Quảng Trạch đến Pleiku. Tuyến này năm 2016 truyền tải 15,4 tỷ kWh, chiếm 18% sản lượng tối đa. Đến năm 2017, chúng tôi xác định tuyến này truyền tải được 20 tỷ kWh, chiếm 25% sản lượng tối đa và đó là câu chuyện rất lớn bởi quãng đường dài hẳn 1.500 km”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông An, đến nay, tiềm lực để đơn vị thực hiện dự án trên mới chỉ có 99%. Tới đây tập đoàn phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỷ kWh mới có thể hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này và đây là thách thức lớn với tập đoàn.
Khẳng định sẽ ưu tiên phát triển dự án 17.000 tỷ đồng này, ông An cam kết phấn đấu đóng điện vào quý I/2019 như kế hoạch đã đề ra. Để cán đích, vị này cho biết EVN sẽ cân đối nguồn tiền, dự kiến khởi công dự án vào tháng 12 năm nay.
“Tiến độ rất sát sườn. Đây là giải pháp giúp tăng cường truyền tải Bắc - Nam và giải quyết cân đối nguồn điện nên cần phải làm sớm”, ông nói thêm.
Tới đây tập đoàn phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỷ kWh. Ảnh: Hoàng Hà. |
EVN cần 137.000 tỷ, nếu không Việt Nam sẽ thiếu điện
Cho rằng EVN không chỉ gặp khó ở dự án này, ông An chia sẻ năm nay “chắc vẫn khó khăn” bởi khối lượng đầu tư năm nay của EVN khoảng 137.000 tỷ đồng trong khi giới hạn trần nợ công gây ra những khó khăn nhất định đối với các doanh nghiệp cần vốn đầu tư lớn để phát triển như EVN.
Ông thừa nhận để có 137.000 tỷ đồng quả thật rất cam go, nhưng ông khẳng định nếu chúng ta dừng đầu tư thì nước ta sẽ thiếu điện sau 5 năm nữa.
“Hôm nay tôi dừng, 5 năm sau sẽ gánh ngay hậu quả. Chưa kể 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam luôn ở 2 con số, tức là đất nước đang tiêu thụ rất nhiều điện và đang cần rất nhiều điện, không thể không đầu tư”, ông khẳng định.
Đồng thời, lãnh đạo EVN cũng nhắc lại lời Thủ tướng rằng kể cả các doanh nghiệp khác chậm dự án, EVN vẫn phải có lối tắt. “Dầu khí, Than Khoáng sản có thể không làm nhà máy điện nhưng EVN vẫn phải làm và chúng tôi quyết tâm thực hiện điều đó”, ông nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, theo kế hoạch, EVN sẽ đẩy nhanh đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời Trị An, Sê San 4... để đưa vào vận hành trong giai đoạn 2018-2019.
Ngày 5/1, trao đổi với Zing.vn, đại diện Tập đoàn này cho hay Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) vẫn chưa có báo cáo giải trình về việc chi 31 tỷ đồng tiền biển cảnh báo nhưng lại tính vào giá điện.
Trước đó, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN khẳng định đã yêu cầu EVN NPC báo cáo từ trước ngày 6/12/2016.