Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

EVN được quyền tăng giá điện 3-5%

Bộ Công Thương khẳng định đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3-5% là phù hợp với quy định và có tính kế thừa.

Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế quyết định số 69, tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng.

Như vậy, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng, trở lại như giai đoạn 2011-2013. 

Về biên độ điều chỉnh, theo dự thảo, sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bình quân hiện hành 3-5% và trong khung giá quy định, EVN quyết định tăng.

Trường hợp tăng 5-10%, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính được quyết định và trên 10% phải trình Thủ tướng. 

tang gia dien anh 1
EVN được quyền điều chỉnh tăng giá điện 3-5%. Ảnh: VTC News.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh này "phù hợp với quy định tại Luật Điện lực, có tính kế thừa các quy định trước đây và phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường".

Trước đó, từ năm 2011, Thủ tướng ban hành quyết định số 24 quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. EVN được trao thẩm quyền điềh chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức 5%.

Bộ Công Thương chỉ rõ, trong thời gian quyết định 24 được ban hành và có hiệu lực, giá bán điện điều chỉnh 4 lần, được xã hội chấp nhận, không tạo ra tác động lớn đến kinh tế xã hội.

Năm 2013, trong quá trình tổng kết, nhiều ý kiến cho rằng cần giãn quy định tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá và nâng ngưỡng điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức cao hơn 5%.

Quyết định 29 được ban hành thay thế quyết định 24. Theo đó, quy định tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng và ngưỡng điều chỉnh giá bán điện được tăng lên 7%.

Tuy nhiên, sau nhiều lần đánh giá, các bộ ngành và nhiều chuyên gia kinh tế thống nhất nhận định quy định tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong năm. Mức tăng giá tối thiểu 7% trở lên cũng được đánh giá là cao.

Trước băn khoăn của người dân về thẩm quyền trao cho EVN tự điều chỉnh tăng ở mức 3-5%, Bộ Công Thương lưu ý, trong các văn bản trước, EVN  cũng được phép điều chỉnh giá bán điện sau khi đăng ký với Bộ Công Thương.

“Một trong những mục tiêu lớn đặt ra trong lần sửa đổi quyết định 69 là việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải được thực hiện công khai, minh bạch. Dự thảo quy định Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát thực hiện điều chỉnh giá. Trường hợp cần thiết, Bộ có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân”, Bộ này khẳng định.

Hóa đơn điện tháng 2 lại tăng bất thường: Ngành điện nói gì?

Trong tháng sử dụng điện có các đợt lạnh kỉ lục khiến nhiều hộ gia đình phải sử dụng thiết bị sưởi ấm với công suất cao đã khiến tiền điện tăng vọt.

 


Kiều Linh

Bạn có thể quan tâm