Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 chiều 3/1, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết năm 2016, doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 264.680 tỷ đồng. Mức này tăng 12,9% so với năm 2015. Lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện của công ty mẹ và 9 tổng công ty con đều cao hơn kế hoạch.
“Tuy nhiên, một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015, chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng”, ông An nói.
EVN xin cộng thêm một số khoản chi khác vào giá điện. Ảnh minh họa. |
Vị này cũng liệt kê hàng loạt khó khăn khác của ngành như biến động tỷ giá, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng, việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện…
“Chính phủ hạn chế việc bảo lãnh vay vốn, tập đoàn và các đơn vị đã vượt qua ngưỡng hạn chế vay theo quy định hiện hành nên rất khó khăn”, ông nói thêm.
Dù vậy, lãnh đạo EVN vẫn đặt mục tiêu năm 2017, điện sản xuất và mua 197,2 tỷ kWh (tăng 11,4% so với năm 2016), điện thương phẩm 177,59 tỷ kWh (tăng 11,5% so với năm 2016).
Để làm được điều này, EVN kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017-2020, quyết định tăng vốn điều lệ của EVN lên 205.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính cho phép hạch toán vào chi phí giá thành sản xuất của đơn vị phần lớn kinh phí để giải quyết các khoản trợ cấp ngoài trợ cấp mất việc làm và chế độ hỗ trợ theo số năm công tác của người lao động và có xét tới những đặc thù của ngành điện.
Cuối năm 2016, thành viên EVN từng gây bão dư luận khi Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN) chi 31 tỷ đồng tiền biển cảnh báo nhưng lại tính vào giá điện.
Trao đổi với Zing.vn, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN khẳng định đã yêu cầu EVN NPC báo cáo từ trước ngày 6/12/2016. Tuy nhiên, hơn một tháng trôi qua, năm 2017 đã tới, phía EVN vẫn chưa có phản hồi chính thức về việc này. Nguồn tin của Zing.vn cho hay EVN NPC chưa có báo cáo liên quan việc chi tiêu trên.
Trước đó, ngày 5/12, Phó tổng giám đốc EVN NPC Hồ Mạnh Tuấn từng có văn bản giải trình về khoản chi này nhưng văn bản “né” trả lời trực tiếp câu hỏi vì sao số tiền này hạch toán trực tiếp vào giá điện. Liên hệ với đại diện đơn vị này nhiều lần, Zing.vn vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tháng 5/2016, Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn ghi rõ 19 khoản chi phí được tính vào chi phí sản xuất gồm cả hiếu, hỷ, chi phí nghỉ mát, khen thưởng cho con em lao động…
Khi đó, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho hay đã đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính bỏ nội dung gộp tiền hiếu hỷ vào chi phí kinh doanh ra khỏi Dự thảo Nghị định vì không cần thiết.