Báo cáo gần đây của Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết, một số thiết bị trong tổng số 15.000 công tơ điện tử đơn vị này vừa được phân bổ hoạt động khá chập chờn.
Cụ thể, nhiều thiết bị chưa tự đọc được dữ liệu mà phải nhờ phía nhà cung cấp xử lý. Một số vừa hoạt động đã phải thay thế do tín hiệu chập chờn. Các công tơ điện tử có tính năng đọc dữ liệu từ xa đọc không ổn định.
15.000 công tơ điện nói trên do Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) phân bổ cho Thái Nguyên, thuộc gói thầu 128.000 công tơ điện tử được triển khai từ năm 2016.
Cụ thể, gói thầu có tổng giá trị 117,2 tỷ đồng với nội dung cung cấp 128.000 điện kế điện tử được triển khai bởi liên danh nhà thầu IFC – TSI – ELCOM, sau quyết định 1536 của tổng giám đốc EVN NPC. Hàng hoá trong gói thầu này là công tơ điện tử 1 pha có tính năng thu thập dữ liệu từ xa và hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ (công tơ điện tử có tính năng đọc dữ liệu từ xa).
Tuy nhiên, gần đây, một số tố cáo từ chính cán bộ EVN NPC liên quan đến việc phê duyệt nhà thầu, các vấn đề của gói thầu này xuất hiện. Cụ thể, nội dung tố cáo cho biết EVN NPC có dấu hiệu hạ tiêu chuẩn nhà thầu, cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Gói thầu gần 120 tỷ được thực hiện năm 2016 bị cho là có một số vấn đề. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà. |
Thông tư 05/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định rõ các chi tiết liên quan đến việc đấu thầu đối với mặt hàng là công tơ điện. Cụ thể, nhà thầu phải đáp ứng tiêu chuẩn rằng từng thực hiện các hợp đồng tương tự và giá trị các hợp đồng phải bằng hoặc lớn hơn 70% gói thầu đang xét.
Trong trường hợp gói thầu 117,2 tỷ đồng nói trên, yêu cầu bắt buộc đối với đơn vị tham gia đấu thầu là từng có hợp đồng cung cấp hàng hoá là loại công tơ điện tử có tính năng đọc dữ liệu từ xa. Ngoài ra, giá trị hợp đồng từng có phải ít nhất đạt 82 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tìm hiểu dựa trên tài liệu của cán bộ EVN NPC cung cấp cho thấy hợp đồng kinh tế của 3 đơn vị là IFC, TSL và ELCOM có hàng hoá không phải là công tơ điện tử.
Về giá trị hợp đồng, hồ sơ dự thầu nêu rõ IFC đang có hợp đồng trị giá 116,4 tỷ đồng với Tổng công ty Điện lực miền Trung và 97 tỷ đồng với Tổng công ty Điện lực miền Nam. Còn TSL có hợp đồng 145,4 tỷ đồng với Tổng công ty Điện lực miền Nam. Tuy nhiên, cả IFC và TSL chỉ cung cấp công tơ điện tử 3 pha.
Trong liên danh trúng thầu, đơn vị chính là IFC – TSL - ELCOM lại không chịu trách nhiệm về mặt hàng chính là 128.000 công tơ điện tử. Cụ thể, IFC chỉ chịu trách nhiệm về việc cung cấp 500 DCU và hình thành hệ thống. Còn một đơn vị khác là Công ty cổ phần quản lý năng lượng thông minh (PSMart) sẽ chịu trách nhiệm liên quan đến 128.000 chiếc công tơ.
PSMart được thành lập vào tháng 10/2014, từng cung ứng hàng hoá là công tơ điện cho TSL và IFC với tổng giá trị là 7 tỷ đồng. Còn với mặt hàng công tơ điện tử 1 pha có tính năng thu thập dữ liệu từ xa (mặt hàng trong gói thầu), PSMart cung cấp hai hợp đồng có tổng giá trị chỉ khoảng 2 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 82 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 3/2016, EVN NPC và EVN Hoà Bình có biên bản về mua sắm, lắp đặt thử nghiệm công tơ điện tử của các nhà sản xuất công tơ trong nước tại EVN Hoà Bình.
Cụ thể, EVN Hoà Bình tiếp nhận và thử nghiệm 750 công tơ điện tử 1 pha và 3 pha công nghệ truyền số liệu RF/PLC do Công ty PSMart sản xuất. Kết quả cho thấy, công tơ điện tử này hoạt động chưa đạt chất lượng. Chỉ số công tơ thu thập tại DCU chưa cập nhật được vào hệ thống mà vẫn phải kết nối dữ liệu với máy tính bảng mới đồng bộ được dữ liệu vào hệ thống.
EVN NPC thừa nhận có nhận được báo cáo của Công ty Điện lực Thái Nguyên vào tháng 10/2016. Nội dung báo cáo cho biết một số thiết bị trong tổng số 15.000 công tơ điện tử đơn vị này vừa được phân bổ hoạt động khá chập chờn.
Về năng lực nhà thầu, đại diện đơn vị này cũng dẫn ra 3 hợp đồng liên danh tham gia gói thầu ký với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, thông tin sản phẩm trong hợp đồng là công tơ 3 pha (khác với sản phẩm trong gói thầu 128.000 công tơ) không được EVN NPC nhắc đến trong phản hồi.