Trước tiên, tôi nghĩ chúng ta nên dành những lời chúc tốt đẹp nhất tới Đoàn thể thao Việt Nam chuẩn bị tham dự SEA Games 30. Đấu trường chúng ta đã tham dự từ năm 1989 và đạt được những thành tựu đáng kể.
30 năm là chặng đường rất dài, từ khi thể thao Việt Nam bắt đầu hội nhập với những vị trí nhóm cuối, qua quá trình phát triển chúng ta lên được nhóm giữa và đang ổn định ở nhóm ba nước hàng đầu. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền thể thao toàn diện.
Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ thượng cờ SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến. |
Những mặt tiêu cực và tích cực
Đại hội Thể thao Đông Nam Á hay còn được gọi là SEA Games, đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển tầm vóc, thể thao khu vực cũng như từng quốc gia thành viên. Nó đóng góp vào sự phát triển và ổn định chung của cả Đông Nam Á. Đó là điều rất quan trọng.
SEA Games cũng là đấu trường để các VĐV tranh tài, cọ xát, cùng nâng cao thành tích để hướng tới những đấu trường tầm cỡ châu lục và thế giới. Thực tế, qua những lần tham dự, thể thao Việt Nam có những bước tiến bộ lớn. VĐV của chúng ta có nhiều thành tích. Hiện chúng ta chuẩn bị cho SEA Games chuyên nghiệp, hệ thống và hiệu quả hơn.
Ngoài những mặt tích cực như trên, SEA Games cũng có những mặt tiêu cực. Đó là chương trình, điều lệ thi đấu trong nhiều năm không góp phần cải tiến hay ổn định để phát triển về các nội dung thi đấu.
Việc quy định còn nhiều kẽ hở để các nước lách luật với mục đích thu lại nhiều huy chương. Các môn thể thao của nước bạn mạnh, Ban tổ chức chủ nhà sẽ tìm cách loại ra. Những nội dung thế mạnh, mình sẽ đưa vào.
Đó là kẽ hở lớn nhất và tiêu cực nhất của SEA Games. Mặc dù, quy định nêu rõ hai môn bắt buộc phải có trong chương trình thi đấu là điền kinh và bơi, cùng 15-16 môn nằm trong chương trình Olympic. Điều lệ cũng nêu rõ có thể đưa thêm một vài môn đặc trưng của khu vực.
Tuy nhiên, tôi từng chứng kiến một số nước muốn thay đổi cả những nội dung thuộc nhóm một. Cụ thể, họ muốn cắt bớt một số nội dung của điền kinh thay vì thi đấu đầy đủ như luật định. Họ có thể đưa vào gần như đầy đủ các môn thuộc nhóm hai Olympic, nhưng lại cắt hầu hết nội dung không phải thế mạnh. Tôi cho rằng hình thức đó rất kỳ quái và ảnh hưởng tới thành tích chung.
Nước chủ nhà được quyền đưa vào chương trình thi đấu các môn thuộc nhóm ba, tức là nội dung đặc thù Đông Nam Á. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy và tới mỗi kỳ SEA Games, báo đài lại nhắc tới những môn đấu lạ.
Ví dụ như đánh bài tại SEA Games 2011, xa hơn thì có võ gậy và xa hơn nữa là chính pencak silat của Indonesia trong những năm 90. Năm 2003, chúng ta cũng đưa Vovinam hay lặn, là môn thế mạnh vào chương trình thi đấu.
Pencak silat, môn thi thế mạnh của Việt Nam bị hạn chế nội dung tại SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến. |
SEA Games 30 sẽ khó khăn cho Đoàn thể thao Việt nam
Theo dòng lịch sử, những điều trước đây được cho là chuẩn mực, đáng khích lệ, nay không còn hợp lý. Thậm chí, nó còn tác động tiêu cực, kìm hãm sự phát triển chung của các nước trong khu vực.
Bắn súng là môn truyền thống của Đông Nam Á, có trong chương trình thi đấu tại nhiều kỳ SEA Games. Bắn súng có nhiều nội dung ở cả Olympic lẫn thế giới. Tuy nhiên, SEA Games 30 đã cắt hầu hết, còn lại 4-5 nội dung. Từ đó, chúng ta có thể hình dung đội tuyển bắn súng rất khó khăn khi bị cắt nhiều nội dung thế mạnh.
HLV trưởng đội tuyển bắn súng Nguyễn Thị Nhung tâm sự với tôi về việc khó khăn trong đặt chỉ tiêu. Các nội dung thi đấu đều là thế mạnh của nước chủ nhà. Chúng ta đặt chỉ tiêu bao nhiêu là vừa sức? Nhiều môn thể thao khác cũng vậy. Các môn võ cũng bị cắt nhiều nội dung thế mạnh. Tôi không hiểu chúng ta sẽ tư duy và định hướng ra sao.
Năm nay, nước chủ nhà đưa trở lại môn vật với ba nội dung vật tự do nam, vật tự do nữ và vật cổ điển với 14 nội dung, đều là thế mạnh của họ. Tuy nhiên, chúng hầu hết không theo điều lệ của FILA (Liên đoàn Vật Quốc tế).
Một cách tổng quan, cách Philippines chuẩn bị, đưa các nội dung vào chương trình thi đấu khiến nhiều người nghĩ dường như là phát triển bởi có tới 530 bộ huy chương ở 56 môn thể thao. Tuy nhiên, có tới 13 môn Việt Nam không thể có cách gì để tham gia. Họ đưa ra những môn thể thao quá lạ lẫm. Hai năm là không đủ để chuẩn bị VĐV.
Trong hơn 40 môn còn lại, Việt Nam chỉ có khoảng 25-30 môn chủ lực. Số còn lại, chúng ta tham gia với mục đích thúc đẩy sự phát triển và mở rộng phong trào thôi chứ không có vai trò hay tác dụng trong việc nâng cao thành tích thể thao.
Theo tôi, SEA Games 30 thua kém SEA Games 28 (năm 2015) về tầm nhìn. Ở đó, quan chức thể thao chủ nhà Singapore đã có ý thức tập trung vào những môn thể thao Olympic và Asian Games.
Điều tệ hại nhất là sự ổn định chương trình để định hướng sự phát triển lại đi tụt lùi chứ không hề tiến bộ. Chính vì vậy, Đoàn thể thao Việt Nam sẽ gặp không ít trở ngại và khó khăn với mục tiêu top 3 bởi họ "không để cho anh đất dụng võ".
Với những khó khăn, từ đi lại, sân bãi, trang thiết bị phục vụ hay ăn uống, chúng ta cần coi đó là yếu tố khách quan. Các VĐV không nên có tâm lý nặng nề mà phải tìm cách vượt qua mọi khó khăn.
Xét về khía cạnh tổ chức, nước tổ chức phải tìm cách khắc phục những bất cập, tuân thủ các yếu tố luật quy định, không tạo ra sự bất bình đẳng, có lợi cho chủ nhà. Đó là cách đúng đắn nhất.
Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu đứng thứ ba toàn đoàn tại SEA Games 30. Ảnh: Quý Lượng. |
Đừng lệ thuộc vào chỉ tiêu top 3 SEA Games
Chương trình thi đấu trước khi được chính thức thông qua đều phải trải qua quá trình hiệp thương. Xung quanh đó, nhiều chuyện cười ra nước mắt. Để một môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu, phải có ít nhất bốn nước cùng tham gia. Mỗi kỳ thi đấu, nước chủ nhà lại vận động, sao cho đủ số lượng tối thiểu và lần nào cũng có thay đổi.
Điều tệ hại nữa là các môn Olympic cũng như Asian Games, xét về tên môn thì rất ổn định, nhưng số nội dung thì không, từ các môn võ, điền kinh hay TDDC đều bị hạn chế. SEA Games 30 còn cắt luôn nội dung toàn năng (tổng điểm 6 nội dung của VĐV nam, 4 nội dung của VĐV nữ) và đồng đội.
Một chiến thuật nữa, trước quá trình hiệp thương, nước chủ nhà thường tung tin gạch hầu hết môn không phải thế mạnh. Cuối cùng, nội dung đó vẫn có tên, nhưng thành tích không thể nâng cao. Quá trình chuẩn bị của các nước bị động bởi thời gian nhốn nháo, bất ổn khi hiệp thương khiến thời gian vốn đã ít nay càng bị rút ngắn.
Tôi từng trao đổi rất nhiều lần. Việc định hướng cho thể thao Việt Nam phát triển cho mục tiêu nào là cuộc đấu tranh trong nhiều năm. Đó là cuộc đấu tranh về tư duy của các nhà quản lý, về định hướng phát triển thể thao. Đó là tư duy có lệ thuộc vào SEA Games hay chọn chiến lược sử dụng mặt tích cực của SEA Games để phát triển theo định hướng của mình. Đó là việc thoát khỏi tư duy cứ phải đứng top 3 SEA Games hay không.
Chúng ta thấy sự thắng lợi của những nội dung Olympic như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, đua thuyền hay cử tạ, đấu kiếm, bắn súng... Trong đó, có những môn chúng ta là tốp đầu khu vực như điền kinh, bơi hay TDDC.
Nếu giữ được sự ổn định về chương trình thi đấu, VĐV cũng giữ được sự ổn định và có nền tảng chuẩn bị, hướng tới Asian Games hay Olympic. Tuy nhiên, SEA Games đang chứng kiến hiện trạng cắt giảm nội dung hay đổi những môn thể thao khác, khiến VĐV và các đoàn rất bức xúc chỉ vì mục tiêu làm sao để có lợi cho mình nhất.
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là các VĐV chuẩn bị cho Asian Games hay Olympic đạt thành tích cao. Những người theo dõi sẽ vui mừng và tự hào hơn là vị trí top 3 mà chúng ta phải căng mình để lo lắng những việc khác mới có được.
Bất cứ ngành nào cũng cần có chiến lược phát triển. Bất cứ sự kiện nào cũng cần có định hướng. Chúng ta cần đặt câu hỏi, cứ mỗi kỳ SEA Games, tức hai năm, lại có sự thay đổi, liệu có phù hợp hay không? Rõ ràng là không. Asian Games hay Olympic có chu kỳ 4 năm, nhưng cũng rất ít có sự thay đổi chương trình thi đấu.
Các nội dung, chương trình thi đấu Olympic rất ổn định và cực kỳ khắt khe, về mặt nguyên tắc. Điều đó dẫn tới sự ổn định trong việc đào tạo VĐV, việc vốn dĩ cần nhiều thời gian. Để có lứa VĐV đủ sức thi đấu, cần 8-10 năm đào tạo, tương đương hai kỳ Olympic. Nếu muốn đạt đỉnh cao, có thể cần tới 16 năm hay như những môn như bắn súng, anh Hoàng Xuân Vinh cần hơn 20 năm.
Đặt câu hỏi ngược lại, chúng ta sẽ lấy đâu ra VĐV khi cứ thay đổi theo chu trình hai năm của SEA Games? Tốt nhất, chương trình thi đấu không nên thay đổi. Nếu có, quá trình đó phải kéo dài 8-10 năm, từ lúc chuẩn bị tới khi chính thức.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội từng nói ngành thể thao nên cầu thị và nghe ngóng dư luận muốn chiến thắng của người thể thao hướng về mục tiêu nào, họ không muốn những chiến thắng ảo.
Các nhà quản lý thể thao cần hiểu rõ những mặt tiêu cực của SEA Games ảnh hưởng thế nào tới quá trình chuẩn bị và thi đấu những giải cao hơn, từ đó phải tìm cách thay đổi.