Những kỳ SEA Games gần đây đều quá quen thuộc với cảnh “vung tay quá trán” của chính quyền trung ương lẫn địa phương đăng cai. Hồi năm 2011, Indonesia đổ ra đến 319 triệu USD cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Theo báo Jarkarta Globe, chính Bộ trưởng Bộ Thể thao và Thanh niên Indonesia thừa nhận đã “mượn đỡ” 66,6 triệu USD từ ngân sách giáo dục quốc gia đắp vào sự thiếu hụt.
Chưa hết, chính trị gia Muhammad Nazaruddin của Đảng dân chủ cầm quyền Indonesia dính vào scandal ăn hối lộ gần 3 triệu USD trong gói thầu xây dựng khu làng vận động viên SEA Games ở Palembang. Ông này bị tòa án tuyên gần 5 năm tù giam sau đó.
Seagame 27 sẽ diễn ra từ ngày 11 - 20/12 tại Myanmar làm dấy lên nỗi lo làm "thủng túi" quốc gia vốn chẳng lấy gì làm giàu có này. |
Singapore cũng từng nếm trải bài học năm 2010 khi tổ chức Đại hội Thể thao Thanh niên (Youth Olympic Games). Ngân sách dự kiến ban đầu 104 triệu USD cuối cùng “phình” ra thành 387 triệu USD. Đáng lẽ năm nay SEA Games sẽ diễn ra ở Singapore nhưng cuối cùng nước này nhường lại cho Indonesia vì lý do “chưa sẵn sàng”.
Nếu không tính đến SEA Games 2009 tổ chức tại Lào, vì điều kiện quá nghèo buộc phải nhận viện trợ xây cơ sở vật chất từ Trung Quốc, Nhật và một số nước ASEAN, thì cả hai kỳ SEA Games trước đó, năm 2007 ở Thái Lan và 2005 ở Philippines đều mang nhiều tai tiếng liên quan đến… tiền.
Không biết để bù đắp chi phí hay muốn kiếm lời, mà tại SEA Games 24, Thái Lan nhất quyết đòi bán bản quyền truyền hình, một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 50 năm của sự kiện này. Vụ việc gây nên nhiều tranh cãi giữa các nhà đài Việt Nam với công ty truyền hình cáp VTC, đơn vị đã nhanh chân… mua trước.
Cũng là vấn đề tài chính, năm 2005, Jonathan Guardo - Chủ tịch Ủy ban thể thao thành phố Cebu, Philippines bị sa thải vì khoản nợ của đơn vị này sau SEA Games lên đến 2 triệu USD. Theo báo Cebu Daily News, năm 2010, ông này lại tiếp tục bị bắt và điều tra về tội tham ô công quỹ phục vụ hạ tầng SEA Games.
Đầu năm nay, báo Myanmar Times có đăng bài phóng sự điều tra về các công trình SEA Games đang được xây dựng tại nước này. Điều kỳ lạ các quan chức của họ cũng không muốn tiết lộ số tiền bỏ ra. “Trong khi cái hóa đơn xây dựng vẫn là bí mật, các công trình trưng ra vô số các chi tiết đắt tiền và phô trương”, Myanmar Times nhận xét.
Điều dễ hiểu là giới chức Myanmar muốn nhân sự kiện mang tầm khu vực này để thay đổi cái nhìn của bạn bè các nước về quốc gia vốn nổi tiếng là khép kín nhưng “yếu tố thiếu minh bạch trong ngân sách xây dựng là một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt trong hoàn cảnh ngân sách quốc gia thâm hụt và áp lực lên chính phủ phải tăng phúc lợi xã hội”, Myanmar Times phân tích.
Tiếp theo Myanmar sẽ đến lượt Singapore tổ chức SEA Games 2015, nhưng ngay tại thời điểm hiện tại, quốc gia này đã lo sốt vó vấn đề kiểm soát ngân sách. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ việc chi tiêu”, Bộ trưởng Phát triển cộng đồng, thanh niên và thể thao Singapore, Chan Chun Sing phát biểu hồi tháng 7.
“Dù sự kiện này rất quan trọng nhưng không thể chịu gánh nặng nợ nần chỉ vì mấy môn thể thao. Đất nước còn nghèo… chúng ta phải làm cho phù hợp. Chúng ta không được quên rằng thu nhập của 26% dân số chỉ dưới 1 USD/ngày”, một quan chức địa phương Myanmar nói.