Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ rà soát dự án FDI có thể ảnh hưởng an ninh quốc gia

Các dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia sẽ bị rà soát. Với dự án FDI cấp mới phải có điều kiện về an ninh, quốc phòng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 58/2020 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Nghị quyết này lưu ý đến nhiều nhiệm vụ của các bộ ngành trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kết hợp mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hợp tác đầu tư nước ngoài, tiếp cận những xu thế mới về đầu tư nước ngoài.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) được giao nhiệm vụ nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện an ninh, quốc phòng trong quá trình cấp phép đầu tư.

ra soat du an fdi dam bao an ninh quoc phong anh 1

Chính phủ sẽ xây dựng điều kiện an ninh, quốc phòng trong quá trình cấp phép đầu tư dự án FDI. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đáng chú ý, Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng quy định về cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Ngoài ra, Bộ KHĐT cần xây dựng quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.

Bộ Tài chính được giao nghiên cứu khắc phục tình trạng chuyển giá, nghiên cứu phân định rõ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp.

Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu tiêu chí đầu tư để lựa chọn, ưu tiên các dự án phù hợp với chiến lược, quy hoạch. Ngoài ra có quy định không xem xét mở rộng, gia hạn đối với dự án không được sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Chính phủ cũng định hướng xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội có tính cạnh tranh quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao. Việt Nam mong muốn thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng, tham gia thị trường khu vực và toàn cầu, đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, tổng hợp số liệu phân tích đánh giá tình hình công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài theo chuyên ngành; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án và kịp thời đề xuất điều chỉnh chính sách.

Người đứng đầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp chỉ đạo, điều hành bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện nghị quyết; hàng năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng kết quả triển khai.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm