Ngân hàng United Overseas Bank - UOB vừa công bố báo cáo kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 2019.
Theo báo cáo này, nhờ sự bùng nổ của nhu cầu trong nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.
Tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6,7% năm 2019
Cụ thể, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,1% trong năm 2018, cao nhất trong 11 năm qua. Trong đó, các lĩnh vực trọng yếu đều tăng trưởng, nổi bật như sản xuất, xây dựng, bán sỉ và lẻ tăng lần lượt 13%, 9,2% và 8,5%.
Ngành du lịch cũng đã diễn tiến tích cực với số lượng khách quốc tế tăng 20%.
Trong nửa đầu năm nay, kinh tế trong nước đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đà tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp (tăng 2,4%); công nghiệp và xây dựng (tăng 8,9%); dịch vụ (tăng 6,7%); đặc biệt là buôn bán sỉ và lẻ, vận tải, truyền thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục và y tế.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn là những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu năm qua đã tăng 7,3% so với năm ngoái, trong khi nhập khẩu tăng 10,5%.
Trong năm nay, UOB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,7% (nhìn chung đạt mục tiêu tăng trưởng đã công bố - 6,8%) và lạm phát ở mức 3,4%.
Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.
Ngoài ra, UOB cũng dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất huy động ở mức 6,25% cho đến hết năm nay để đảm bảo môi trường tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế diễn ra thuận lợi.
Về vấn đề tỷ giá, UOB dự đoán tỷ giá VNĐ/USD sẽ đạt mức 23.400 đồng/USD vào quý III, và tăng lên 23.600 đồng/USD vào quý IV năm nay.
Vốn FDI trực tiếp sẽ đạt trên 20 tỷ USD
Báo cáo kinh tế lần này của UOB cũng chỉ ra xu hướng các công ty đa quốc gia đang di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam thay vì Trung Quốc hoặc các quốc gia khác trong khu vực.
Lo ngại về thuế xuất nhập khẩu cao đã khiến các nhà sản xuất (là những bên bị tác động bởi thuế bổ sung) phải cân nhắc mục tiêu hoạch định các chiến lược hiệu quả về mặt chi phí bằng cách di dời cơ sở sản xuất sang những địa điểm khác nhằm giảm thiểu tác động từ thuế quan thương mại.
Theo đó, Việt Nam đang là quốc gia lý tưởng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu ra thế giới nhờ sở hữu vị trí chiến lược để sản xuất và phân phối hàng hóa bằng đường bộ và đường biển.
So với các quốc đảo như Philippines và Indonesia, khoảng cách và thời gian di chuyển của vận tải đường biển tại Việt Nam ngắn hơn, do đó tiết kiệm được chi phí và đẩy nhanh tốc độ tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI là mức chi phí lao động tương đối thấp, đặc biệt khi so với Trung Quốc và Thái Lan.
Năm 2019, lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng lên khoảng 126-180 USD tùy từng vùng. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu này chỉ bằng khoảng 38-54% so với Trung Quốc (hơn 330 USD/tháng), hay Thái Lan (274 USD).
Gia tăng các khoản đầu tư được chuyển về Việt Nam được thể hiện thực tế qua dòng vốn FDI rót vào những tháng vừa qua.
Cụ thể, năm 2018, dòng vốn FDI (dựa trên vốn thực tế nhận được) tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 19,1 tỷ USD.
Dự báo trong năm nay, vốn FDI vào Việt Nam đang trên đà vượt mức 20 tỷ USD với mức tăng trưởng 4,7%. Các nguồn chính của FDI có thể sẽ đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong.
Dựa vào mức tăng trưởng hiện tại, 2019 có khả năng sẽ là năm tốt nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam về thu hút FDI. Kể từ đầu năm đến tháng 7, Việt Nam đã ghi nhận 2.064 dự án mới, tăng 25% so với cùng kỳ và là con số kỷ lục trong một năm.
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia rót vốn FDI nhiều nhất vào Việt Nam, chiếm gần 25% tổng dòng vốn. Đây là cột mốc đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn so với 2 năm trước, khi dòng vốn này trước đây bị chi phối mạnh bởi Hàn Quốc và Nhật Bản.
Điều này cho thấy những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vào nửa đầu năm 2018 có sức ảnh hưởng rõ rệt tới các nhà sản xuất Trung Quốc.
Trong mỗi quý kể từ quý III/2018, Việt Nam nhận được trung bình 4 tỷ USD, tăng 18% so với mức trung bình vào nửa đầu năm 2018, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vừa nổi lên.