Trong ngày thứ sáu vừa qua, cơ quan chức năng London đã thông báo Uber "không phải là dịch vụ phù hợp và thích hợp để có thể hoạt động tại thành phố này”. Do đó, thành phố đã lựa chọn không gia hạn giấy phép hoạt động của Uber, một phần là do các bê bối liên quan tới vấn đề vận hành của Uber trong năm 2017.
Dùng phần mềm "lách" bị giám sát?
Một trong những bê bối được phát hiện gần đây của Uber là việc sử dụng “Greyball”, một phần mềm gây tranh cãi, nhằm ngăn cơ quan chức năng giám sát hãng.
Đối mặt với bê bối kể trên, Uber cho biết chưa bao giờ sử dụng mà cũng không hề có ý định sử dụng phần mềm này tại Anh.
Tuy nhiên, bê bối đó khiến London đã không còn muốn gia hạn giấy phép hoạt động cho Uber nữa. Uber cho hay từ năm 2012, khi hãng bắt đầu hoạt động tại London cho tới nay "đã có 3,5 triệu người sử dụng dịch vụ này và quyết định kể trên sẽ khiến khoảng 40.000 lái xe của hãng bị ảnh hưởng”.
Uber có 21 ngày để kháng cáo. Hãng sẽ tận dụng sử ủng hộ của các khách hàng trong lần kháng cáo này. Cho đến nay, đơn yêu cầu duy trì hoạt động của Uber tại London trên trang Change.org đã có được 266.934 chữ ký ủng hộ.
Giáo sư Kartik Hosanagar tại Đại học Pennsylvania cho hay: "Đây là một quyết định quan trọng, không phải chỉ bởi London là một thị trường taxi lớn, mà còn bởi quyết định này của London có thể tạo thành một tiền lệ bất lợi cho Uber tại các thành phố cũng đang lưỡng lự về việc có nên tiếp tục duy trì sự hoạt động của hãng taxi công nghệ này hay không”.
Giáo sư Arun Sundararajan tại Đại học New York University cũng đồng ý với ý kiến trên. Ông cho rằng điều quan trọng là cần đảm bảo không xảy ra một hiệu ứng domino tại châu Âu.
Ông nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nhiều thành phố khác cũng nói không với Uber”.
Đây có thể cũng là thời điểm để các đối thủ cạnh tranh của Uber lấy lại thị phần tại khu vực.
Những thách thức với CEO mới của Uber
CEO mới của Uber Dara - Khosrowshahi sẽ phải tìm cách làm dịu đi các căng thẳng kể trên. Khosrowshahi là cựu CEO của hãng du lịch trực tuyến Expedia, và mới chỉ vừa tiếp quản vị trí CEO tại Uber vào cuối tháng 8.
Ngoài việc phải đối mặt với các khủng hoảng tại London, Khosrowshahi còn phải đối phó với cuộc chiến pháp lý đang leo thang với Waymo, dự án xe tự lái của Google, về cáo buộc đánh cắp công nghệ xe hơi tự lái. CEO mới của Uber cũng phải đối phó với một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về phần mềm “Greyball”.
Ngoài ra, công ty này vẫn còn rất nhiều việc phải làm liên quan tới vấn đề văn hóa làm việc nội bộ của mình nữa.
Giáo sư Sundararajan cho hay: “Đây có thể là cơ hội để chứng minh khả năng lãnh đạo của Khosrowshahi, nếu như vị CEO mới này có thể giải quyết được vấn đề và đã được thỏa thuận với chính quyền London” và “đây thực sự là một thời khắc quan trọng với Uber”.
Để đáp lại quyết định của London, Uber cho hay hãng sẽ “ngay lập tức, gửi bản kháng cáo tới tòa án”.
Uber cho rằng: "Cơ quan chức năng London đã đưa ra quyết định làm hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng".
Khosrowshahi đã đăng trên mạng xã hội rằng "Uber 'không hoàn hảo' nhưng vì 40.000 lái xe và 3,5 triệu khách hàng của hãng tại London, Uber mong các cơ quan chức năng làm việc với Uber để có thể quyết định mọi việc một cách đúng đắn”.
Khosrowshahi, đồng thời cũng đã chia sẻ suy nghĩ của mình qua một email nội bộ được gửi tới các nhân viên vào ngày 22/9.
“Sự thật là đó là một cái giá quá đắt đối với một tiếng xấu”, Khosrowshahi viết.
“Dù chúng ta đã làm mọi thứ như những gì người ta nói về chúng ta ở London ngày nay hay không (mà tôi tin rằng chúng ta đã không hề làm thế), thì vấn đề thật sự là điều mà mọi người nghĩ về chúng ta, đặc biệt là đối với một doanh nghiệp toàn cầu như chúng ta, những hoạt động dù chỉ ở một khu vực trên thế giới cũng có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng tới các khu vực khác”, ông nói thêm.
Khủng hoảng tại nhiều quốc gia
Quyết định của London là bất lợi lớn đối với Uber. Công ty này cũng đang gặp các vấn đề không nhỏ khi mà các đối thủ cạnh tranh đang cùng nhau hoạt động và huy động hàng tỷ USD để có thể thống lĩnh các thị trường tương ứng của doanh nghiệp này.
Trong tháng 7/2017, Uber đã bị buộc phải rút khỏi Macau. Cùng thời gian đó, tại Nga, Uber đã phải sát nhập với đối thủ cạnh tranh của mình là Yandex. Và trong năm ngoái, Uber đã phải nhượng lại việc kinh doanh của mình tại Trung Quốc cho đối thủ, là Didi Chuxing.
Trong quá trình kháng cáo quyết định của London, ông Hosanagar tin rằng Uber có thể sẽ chỉ ra những đổi mới trong hai năm qua, để nâng cao tính an ninh và an toàn cho người dùng, như là tính năng để người sử dụng có thể chia sẻ một cách chi tiết hành trình của họ ngay lập tức, trong chuyến đi với bạn bè của họ.
Mặt khác, giáo sư Hosanagar cũng cho hay Uber có thể sẽ phải bảo vệ mình bằng cách chỉ ra làm thế nào để hãng có thể quản lý số lượng lái xe khổng lồ như thế. Ông đồng thời cũng cho biết sự phỏng đoán của bản thân, rằng “Hành động của London sẽ khiến Uber phải nghiêm chỉnh thực hiện các hoạt động kể trên hơn”.
Uber hiện hoạt động tại gần 700 thành phố với giá trị ước tính lên tới 68 tỷ USD. Hãng này được cho là đã nhận khoản đầu tư lớn từ SoftBank, gã khổng lồ công nghệ của Nhật Bản.