Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ mời Walmart trực tiếp mua hàng Việt Nam

Ông Đào Trần Nhân, tham tán công sứ Thương vụ Việt tại Mỹ, cho biết năm 2014 sẽ tiếp tục xúc tiến để hàng Việt tiếp cận được nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ...

Ông Đào Trần Nhân cho biết: năm 2014, chúng tôi dự kiến tiếp cận tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Mỹ là Walmart để mời họ mua hàng từ doanh nghiệp Việt Nam. Hiện Thương vụ Việt Nam chi nhánh San Francisco đã có kế hoạch mời Phó chủ tịch Walmart đến Việt Nam tiếp xúc, trước tiên là với các bộ ngành, địa phương của Việt Nam. Với kinh nghiệm tiếp xúc Kroger - tập đoàn bán lẻ đứng thứ hai toàn Hoa Kỳ (với 2.400 siêu thị, doanh thu đạt mức 94 tỷ USD), chúng tôi dự kiến sẽ trực tiếp đến trụ sở của Walmart để mời Giám đốc mua hàng của họ, tiến tới buổi giao thương trực tiếp tại Việt Nam.

Tại một dây chuyền chế biến hạt điều của Công ty Nhật Huy (Bình Dương), một trong số 10 công ty điều đã ký hợp đồng ghi nhớ với Kroger.
Trước đó, trong năm 2013, thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng đã chủ động đến tiếp xúc, mời gọi được tập đoàn Kroger vào Việt Nam, tổ chức cho họ tiếp xúc với 128 doanh nghiệp ở TP.HCM và đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng ghi nhớ với tập đoàn này.

Sẽ tăng hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam 

Xuất khẩu vào Hoa Kỳ luôn gặp những khó khăn như các vụ kiện chống bán phá giá do các nhóm lợi ích ở Mỹ muốn bảo hộ thị trường. Thời gian qua thương vụ Việt Nam ở Mỹ đã phối hợp tốt với hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam đang theo các vụ kiện. Thương vụ đã tham gia từng vụ tranh tụng, làm việc với luật sư để chống lại các rào cản, vụ kiện. Năm 2013 Việt Nam đã thắng trong vụ kiện tôm, Mỹ định áp thuế chống trợ cấp rất cao nhưng cuối cùng mức thuế chỉ còn 0%.

- Việc bán hàng trực tiếp cho các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Walmart là điều không thể muốn thì được, thưa ông?

- Đúng là có vô vàn lời mời đến với Walmart và để tiếp cận tập đoàn này không đơn giản. Bởi các công ty lớn của Mỹ chỉ hợp tác với những doanh nghiệp lớn với mỗi đơn hàng lên tới hàng triệu sản phẩm. Những siêu thị lớn ở Mỹ, ngoài những yêu cầu về chất lượng còn yêu cầu quy cách, nhãn mác, mã vạch, nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường... Doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư và tìm hiểu mới có thể đáp ứng.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam thường bán sang Mỹ sản phẩm thô, các tập đoàn bán lẻ Mỹ sẽ chế biến để bán. Trong khi đó, như Kroger đã khẳng định, nếu hàng Việt Nam đủ chất lượng, đạt tiêu chuẩn chất lượng, bao bì, họ sẵn sàng mua và đưa lên kệ luôn. Bởi họ cũng muốn tăng sự đa dạng của sản phẩm.

- Những mặt hàng nào của Việt Nam, theo ông, có thể cung cấp trực tiếp cho các tập đoàn bán lẻ này?

- Tôi cho rằng ngoài các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hải sản, dệt may, đồ gỗ, hạt điều... thì các mặt hàng nội thất trong nhà như giỏ mây, tre ép, cà phê, thậm chí thức ăn cho chó mèo, đồ chơi thú cưng... đều có thể vào được. Theo tôi được biết, Walmart tại Anh đã mua khá nhiều sản phẩm của Việt Nam, nhưng Walmart tại Mỹ lại chưa nhiều. Chúng tôi muốn thúc đẩy để tăng thêm lượng hàng cũng như số doanh nghiệp Việt Nam có thể bán vào hệ thống siêu thị lớn nhất thế giới này.

Ông Đào Trần Nhân.
- Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn tiếp cận thị trường Mỹ qua những nhà phân phối lớn?

- Làm ăn với những tập đoàn lớn tầm thế giới, lợi là hàng Việt Nam đến thẳng người tiêu dùng Mỹ, không phải qua khâu trung gian, nhưng cũng rất khó cho doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam. Họ rất sợ kiểu làm ăn chụp giựt, mà họ gọi là kiểu “hit and run”. Vì vậy, điều kiện quan trọng là phải đáp ứng các yêu cầu về bao bì, mã vạch, đặc biệt là chất lượng đồng đều của sản phẩm. Nhiều sản phẩm của Việt Nam ban đầu tốt, nhưng sau đó chất lượng không đồng đều...

Nhiều tiềm năng nhưng ít cơ hội

Tháng 5/2013, thông qua thương vụ Việt Nam tại Mỹ, tập đoàn bán lẻ Kroger đã tới Việt Nam làm việc với hiệp hội Điều Việt Nam và 20 nhà chế biến, xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam để mua các loại hạt điều thô, hạt điều rang muối, hạt điều tẩm mật ong... rồi đưa vào các cửa hàng của hệ thống này. Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, dù các nhà máy lớn trong nước đã đáp ứng đủ các yêu cầu về chất lượng của các thị trường khó tính nhưng đưa hàng trực tiếp vào siêu thị Mỹ vẫn còn rất khó khăn.

Ông Phạm Văn Công, Giám đốc công ty cổ phần Nhật Huy (Bến Cát, Bình Dương) cho biết, chuỗi bán lẻ tại Mỹ phân chia tách biệt từ nhà chế biến, nhà nhập khẩu, nhà rang xay, nhà bán lẻ. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở bước đầu tiên của chuỗi này, trong khi các nhà bán lẻ lớn sẽ không mua điều trực tiếp từ các nhà sản xuất điều nhân. Do đó, muốn đưa hàng Việt Nam vào trực tiếp hệ thống bán lẻ, các công ty trong nước phải tham gia các khâu phía sau của chuỗi, đó là chế biến sâu như các sản phẩm hạt điều rang, tẩm ướp... và đóng gói. Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch đầu tư nhà máy rang và đóng gói hạt điều Việt Nam ngay tại Mỹ mới có cơ hội đưa hàng Việt Nam vào trực tiếp siêu thị Mỹ.

 

 

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm