Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ lại 'cháy' ATM các ngân hàng lớn

Càng gần tới Tết Nguyên đán, nỗi lo phải thức đêm chờ rút tiền, sợ máy ATM hết tiền; nhả tiền rách... càng trở nên hiện hữu.

Vái lạy máy rút tiền

Nhiều công nhân tại các khu công nghiệp đang lo, dịp gần Tết phải đứng từ xa vái lạy máy rút tiền ATM để cầu mong đến lượt không hết tiền hay có trục trặc khác. Chị Thương, nhân viên công ty sản xuất dây cáp điện tại Khu công nghiệp Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, năm ngoái một số đồng nghiệp đã phải thức đến 2 giờ sáng xếp hàng chờ rút tiền từ cây ATM của ngân hàng Vietcombank. “Tôi phải ở lại thêm một ngày để chờ rút tiền. Một số người bạn nhà ở xa đã phải thức cả đêm để xếp hàng rút tiền, rất mệt mỏi”, Thương nói.

Chị Hương, nhân viên một công ty liên doanh tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, dịp Tết năm ngoái, do tình hình kinh doanh không được khả quan, công ty trả lương chậm so với kế hoạch vài ngày.

Công nhân xếp hàng chờ đến lượt rút tiền qua thẻ ATM. Ảnh: Ngọc Châu.

“Cùng bạn xếp hàng gần 2 tiếng đồng hồ sau giờ làm, vừa đói vừa khát, đến lượt rút thì ATM báo hết tiền. Chuyển sang rút tiền tại cây của BIDV cũng báo như vậy. Tới cây của Vietinbank thì bị dính ngay một tờ tiền 100.000 đồng rách mép. May vẫn tiêu được. Năm nay không biết có lại phải xếp hàng chầu chực chờ tiền nữa không”, chị Hương ngán ngẩm.

Ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, các ngân hàng thời gian qua đã đẩy mạnh việc đầu tư lắp đặt mới các ATM để đáp ứng nhu cầu của người dùng thẻ. Như Vietcombank đến nay đã có tổng cộng 2.000 máy ATM. Để tránh tình trạng quá tải, các ngân hàng kết nối với nhau. Theo đó, thẻ của ngân hàng này có thể rút tiền trên máy của ngân hàng khác với mức phí rút tiền liên mạng không lớn.

Theo ông Tuấn, mỗi ngày, Vietcombank tiếp quỹ 1 lần. Với thời gian cao điểm Tết, ngân hàng có kế hoạch tiếp quỹ 3 lần/ngày. Đặc biệt tại những khu công nghiệp phải tiếp quỹ 6-7 lần/ngày. “Tuy nhiên, dù đã có kế hoạch chuẩn bị đủ người và xe tiếp quỹ, nhưng tại Hà Nội 15 ngày áp Tết đường đông nên việc tiếp quỹ cũng khó khăn, khó tránh khỏi việc có lúc tiếp quỹ bị chậm”, ông Tuấn nói

Về việc người dân phải xếp hàng cả đêm để chờ rút tiền, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng chuẩn bị đầy đủ lượng tiền cung ứng cho các địa phương; đảm bảo đến Tết đủ tiền mặt phục vụ nhu cầu rút tiền của người dân. Theo đó, đặc biệt chú trọng các khu vực có nhu cầu tiền mặt rất cao như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp khác.

“NHNN đã chỉ đạo phải có giải pháp trao đổi với các khu công nghiệp không trả lương cùng lúc mà rải đều ra để máy ATM không quá tải. Nếu cứ trả lương tập trung vào một thời điểm như các năm trước, khi công nhân xếp hàng rút tiền, máy ATM sẽ không đáp ứng nổi. Chúng tôi cũng yêu cầu ngân hàng cùng doanh nghiệp thu xếp lập các bàn trả tiền mặt trực tiếp cho công nhân, giảm tải cho máy ATM. Có khi cả năm ATM chạy tốt, nhưng một thời điểm chạy quá công suất có thể sinh ra trục trặc”, ông Tú cho biết.

Nên rút tiền ATM các ngân hàng nhỏ

Trong khi các ngân hàng lớn lo không đáp ứng nổi nhu cầu thì nhiều ngân hàng bé tự tin với năng lực hiện có. Tien Phong Bank (TPBank) cho biết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của khách hàng trong những ngày Tết, đã lên kế hoạch giám sát hoạt động từng cây ATM bằng tin nhắn SMS và email nhắc nhở tiếp quỹ. Việc giám sát chủ động này giúp đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, liên tục và mọi sự cố được khắc phục kịp thời.

Để hỗ trợ người dùng thẻ, ngân hàng áp dụng chính sách miễn phí giao dịch rút tiền, truy vấn tài khoản cho toàn bộ khách hàng khi sử dụng thẻ tại ATM của TPBank và các ngân hàng trong liên minh Smartlink/Banknet/VNBC. “Chúng tôi sẽ thanh toán toàn bộ phí rút tiền khác hệ thống trong trường hợp rút tiền từ các cây ATM của ngân hàng khác”, đại diện TPBank nói.

Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cho biết, sớm dự đoán nhu cầu rút tiền mặt của người dân dịp Tết tăng nhiều so với ngày thường nên chủ động nhiều phương án: Theo dõi lượng tiền mặt tại các ATM, tăng tần suất tiếp quỹ đảm bảo không để thiếu tiền trong ATM. Ngân hàng cũng sẽ nhanh chóng giải quyết khi có sự cố về kỹ thuật.

Đại diện Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy: Trong các ngày 26-28/12 âm lịch là thời gian “cao điểm” tại các cây ATM. Chủ thẻ cần dự trù trước, tránh thực hiện giao dịch trên ATM vào thời điểm này. Các chủ thẻ cũng nên tránh các giờ cao điểm từ 17-19h hằng ngày. Khi giao dịch được thực hiện thành công, khách hàng phải nhận tiền ngay khi ATM trả tiền, tránh việc bị nuốt trở lại vào trong máy.

Ông Nguyễn Trí Thành, Cục trưởng Phát hành kho quỹ (NHNN), cho biết, bội chi 1 tháng Tết bằng bội chi cả năm. Ví dụ, trong năm bội chi 70.000 tỷ đồng thì tháng Tết lượng tiền chi ra cũng bằng vậy. Tết năm nay rơi vào đầu tháng 1, do đó cũng phải bằng bội chi cả năm 2013.

 

TPHCM: Xếp hàng dài trước ATM

Tại một số điểm rút tiền của Ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank, Đông Á, BIDV… ở các khu công nghiệp Tân Bình, Tân Tạo, vào buổi trưa và cuối chiều, cảnh xếp hàng, chen lấn để được vào rút tiền đã xảy ra. Tại điểm ATM Vietinbank, Vietcombank trên đường Tây Thạnh, khu công nghiệp Tân Bình, anh Cường, công nhân làm tại công ty Tân Tiến, nói anh đứng đợi hơn 30 phút tại cây ATM của Vietcombank rồi mà vẫn chưa rút được tiền, đành ra xe về nhà, hôm sau phải đi làm sớm, tranh thủ mà rút tiền.

Chị Thanh (quê Tiền Giang), công nhân may tại công ty Cổ phần Thắng Lợi, vui mừng vì vừa được chuyển lương qua thẻ, nhưng phải chạy đôn chạy đáo qua mấy cây ATM ngân hàng BIDV trên đường Trường Chinh mới rút được tiền để tranh thủ đi sắm Tết.

 

Theo Tiền phong

Bạn có thể quan tâm