Chiều 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trước đó, trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện ban soạn thảo cho biết việc sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực có thể mang lại tác động tích cực. Tuy nhiên, do rượu, bia đều chứa cồn là chất gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư có tác động lên hầu hết cơ quan trong cơ thể, nên sử dụng rượu, bia có nguy cơ gây ra các tác động tiêu cực đối với sức khỏe.
Tại Việt Nam, thực trạng sử dụng rượu, bia đã ở mức báo động thể hiện qua 3 tiêu chí về mức tiêu thụ (nhất là ở nam giới), bao gồm cả số lượng tuyệt đối cũng như quy đổi về số lít cồn nguyên chất bình quân đầu người.
Cụ thể, theo Tổng cục thống kê, mỗi người dân Việt Nam (trên 15 tuổi) sử dụng tới 4,4 lít cồn nguyên chất trong năm 2014. Còn theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) con số này lên tới là 8,3 lít, và Việt Nam đứng thứ 64/194 nước sử dụng rượu, bia nhiều trên thế giới.
Ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho rằng người Việt đang sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trong những năm gần đây, tỷ lệ người uống rượu, bia đều gia tăng và tỷ lệ thanh niên, thiếu niên uống rượu, bia ở mức cao lên tới 70% với nam và 6% với nữ (trên 15 tuổi) vào năm 2010. Đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên 80,3% ở nam giới và nữ giới là 11,6%, trong đó, 44,2% nam giới uống ở mức nguy hại, tăng 1,76 lần so với năm 2010.
Ban soạn thảo cũng đưa ra thống kê của WHO cho biết phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3-3,3% GDP của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, ước tính phí tổn kinh tế do rượu, bia gây ra ở mức thấp nhất (1,3% GDP) cũng gây thiệt hại khoảng 65.000 tỷ đồng. Riêng chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD.
Sau khi thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng đánh giá lợi ích và tác hại trong việc sử dụng rượu, bia tại Việt Nam, việc ban hành dự án Luật là cần thiết.
Thường trực Ủy ban cho hay Điều 9 dự thảo Luật chỉ quy định 2 trường hợp không được sử dụng, rượu, bia là: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian làm việc, nghỉ giữa ca và không được uống tại địa điểm cấm bán rượu, bia. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động lại có nêu thêm các trường hợp không bán rượu cho người có biểu hiện say; phụ nữ có thai; người đang điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các đối tượng này đồng thời bổ sung giải pháp cụ thể để đảm bảo tính khả thi với mọi “người lao động".
Về quy định kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia hiện còn 2 loại ý kiến khác nhau. Một là nhất trí với quy định kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo, khuyến mại và tài trợ rượu bia để hạn chế khả năng tiếp cận rượu, bia.
Hai là việc dự thảo Luật kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia sẽ ảnh hưởng đến việc đóng góp cho ngân sách nhà nước từ hoạt động quảng cáo. Cùng với đó là quyền tiếp cận thông tin, cũng như hạn chế nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao vốn đang được các doanh nghiệp rượu, bia tài trợ là mâu thuẫn.
Sẽ cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ . Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Thường trực Ủy ban cho hay tuy sẽ có phần nào tác động đến ngân sách Nhà nước và các hoạt động văn hóa nhưng đứng về góc độ sức khỏe và những chi phí phải bỏ ra cho việc điều trị bệnh có liên quan đến rượu, bia thì việc quy định kiểm soát quảng cáo rượu, bia là cần thiết.
Bên cạnh đó, nếu như Luật Thương mại chỉ cấm quảng cáo rượu từ 30 độ cồn trở lên thì Luật Quảng cáo năm 2015 đã đưa rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên thuộc danh mục cấm quảng cáo. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với cùng 1 lượng rượu hay bia cùng một độ cồn trên 15 độ khi vào cơ thể sẽ có tác hại như nhau.
Do vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn”.
Ngoài ra, quy định “mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tài trợ bằng vật phẩm rượu, bia; có tên hình ảnh, sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ và trong hoạt động tài trợ và quảng cáo rượu trong hoạt động tài trợ” cũng được đề nghị nghiên cứu đưa ra.