Hàng loạt vụ hành quyết - hầu hết là chặt đầu bằng gươm - cho thấy Saudi Arabia đang trên đà ghi nhận một năm kỷ lục về các vụ hành quyết, mặc dù Thái tử Mohammed bin Salman trước đó đã cam kết sẽ giảm sử dụng các hình phạt này.
Các bị cáo bao gồm 3 người Pakistan, 4 người Syria, hai người Jordan và 3 người Saudi Arabia. Tất cả đều là nam giới, đã bị kết án tử hình sau khi bị giam giữ vì các tội danh ma túy phi bạo lực.
Vụ việc trên đã nâng tổng số người bị hành quyết trong năm nay lên ít nhất 132 người, vượt quá con số năm 2020 và 2021 cộng lại.
Một đao phủ Saudi Arabia khoe kiếm. Ảnh: Shutterstock. |
Reprieve, nơi thu thập dữ liệu về các vụ hành quyết trong tuần này, cho biết các vụ việc chỉ ra một xu hướng đáng lo ngại sau khi nhà cầm quyền của Saudi Arabia hứa hẹn cải cách hệ thống tư pháp.
Năm 2018, Thái tử Mohammed bin Salman cho biết chính quyền của ông đã cố gắng "giảm thiểu" hình phạt tử hình, chỉ những phạm nhân bị kết tội giết người hoặc ngộ sát mới phải chịu hình phạt tử hình.
Vào năm 2020, Saudi Arabia đã đề xuất thay đổi luật để bãi bỏ án tử hình đối với tội phạm ma túy và phi bạo lực khác, sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại.
Theo Ủy ban Nhân quyền của Saudi Arabia, năm 2020 chứng kiến số vụ hành quyết thấp nhất trong nhiều thập kỷ, giảm 85% so với năm trước, xuống còn 27 vụ.
Nhưng đầu năm nay, 81 cá nhân đã bị xử tử vì nhiều tội danh, bao gồm tội phạm liên quan đến “khủng bố”, giết người, cướp có vũ trang và buôn lậu vũ khí.
Bà Maya Foa, giám đốc của Reprieve, cho biết vụ hành quyết mới nhất diễn ra vào ngày sau khi có thông tin rằng thái tử Saudi Arabia sẽ không phải chịu hậu quả nào trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại.
Trước đó, theo AP, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vào hôm 17/11 đã lên tiếng ủng hộ việc Thái tử Mohammed bin Salman nhận được quyền miễn trừ pháp lý trong các vụ kiện liên quan đến vụ việc trên.
Thái tử bin Salman, người trước đó được bổ nhiệm giữ thêm chức vụ thủ tướng Saudi Arabia, trong đề xuất được đệ trình lên tòa án, được chính quyền Mỹ đánh giá là người có có địa vị cao trong chính quyền Saudi Arab và xứng đáng được hưởng quyền miễn trừ pháp lý theo thông lệ quan hệ quốc tế.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật" của nhóm tác giả Đỗ Đức Định, Thái Văn Long, Trần Thị Lan Hương… được xuất bản năm 2012. Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.