Sau khi vụ cháy diễn ra, UBND phường Hạ Đình, Hà Nội khuyến nghị người dân không ăn rau, hoa quả, gia cầm, cá, heo được nuôi trong bán kính 1 Km từ tâm đám cháy trong vòng 21 ngày.
Thông tin này được người dùng mạng xã hội lan truyền mạnh từ ngày 29-30/8. Kèm với đó, trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng thủy ngân từ nhà máy Rạng Đông sẽ bay theo không khí ra các khu vực xung quanh.
Lửa bao trùm công ty phích nước và bóng đèn Rạng Đông ngày 29/8. |
Theo ThS Vũ Thị Tuyết Mai (Thạc sĩ Y tế công cộng, bác sĩ đa khoa, Bộ Y tế), thủy ngân là một kim loại màu trắng bạc, thể lỏng, không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối dễ ở nhiệt độ phòng. Vì vậy, trong điều kiện đám cháy hàng nghìn độ, việc thủy ngân bay hơi là chuyện không thể tránh khỏi.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng bộ môn Hóa học, Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Long Khánh, Đồng Nai, trong trường hợp cháy, thủy ngân có thể bị phát tán theo nhiều dạng. Trong đó dạng hóa hơi là nguy hiểm nhất.
“Thủy ngân có khối lượng nặng hơn không khí. Vì vậy, nếu hóa hơi, nó sẽ bay gần mặt đất, tiếp cận con người dễ hơn. Điều này gây nguy hiểm lớn tới sức khỏe con người bởi ở dạng hơi thủy ngân được xem là độc nhất khi tấn công vào hệ hô hấp của người, qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương”, ông Sơn phân tích.
Thủy ngân là kim loại nặng, độc nhất ở dạng hơi. |
Ngoài ra, các tin cảnh báo trên mạng xã hội cho rằng người dân nên mang khẩu trang khi ra đường. Tuy vậy, theo các chuyên gia, khẩu trang được dùng phải là loại phòng độc chuyên dụng mới ngăn được thủy ngân. Các loại khẩu trang vải, y tế không hiệu quả trong trường hợp này.
Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cũng cho rằng nguồn nước gần khu vực nhà máy Rạng Đông sẽ bị thủy ngân ngấm xuống và ô nhiễm. Tuy vậy, khả năng thủy ngân ngấm xuống đất, mạch nước ngầm trong quá trình chữa cháy được các chuyên gia loại trừ.
"Về nguyên tắc, nếu muốn ngấm xuống đất thì phải tan được trong nước. Tuy nhiên thủy ngân không tan trong nước. Cho nên nếu có bị phát tán rơi xuống đất thì nó chỉ nằm trên bề mặt thôi, không ngấm xuống được. Đây là thủy ngân kim loại chứ không phải ion thủy ngân, nên khó có khả năng ngấm xuống đất và gây ô nhiễm", Tiến sĩ Lê Đức, khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nói với Zing.vn.
Hiện TP Hà Nội chưa thông tin chính thức về mức độ rò rỉ thủy ngân sau vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông. Vì vậy, các chuyên gia cũng chưa thể xác định các tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân.
"Hiện tại chúng ta cũng chưa có thông tin cụ thể về việc lượng thủy ngân trong nhà máy đó là bao nhiêu, hình thức lưu trữ, bảo quản như thế nào nên không thể kết luận được thủy ngân có bay hơi nhiều hay không, nồng độ thế nào. Còn phải qua quá trình lấy mẫu, xét nghiệm thì mới kết luận được", Tiến sĩ Lê Đức nói thêm.
Rạng Đông nói không dùng thuỷ ngân
Chiều 30/8, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã có văn bản báo cáo UBND quận Thanh Xuân, trả lời các lo ngại của người dân cũng như báo chí về nghi vấn rò rỉ thủy ngân sau vụ hỏa hoạn hôm 28/8.