Đoạn băng video cách đây 11 năm ghi lại việc ông nói hết sức thô tục về “sờ soạng”, lạm dụng phụ nữ đã đẩy tỷ phú bất động sản này vào cuộc khủng hoảng toàn diện.
Đã có hơn 40 nghị sĩ Cộng hoà tuyên bố không ủng hộ hoặc rút sự ủng hộ đối với ông Trump. Trong phe Cộng hoà, cuộc thảo luận về việc thay ứng viên Trump đang diễn ra một cách nghiêm túc.
Donald Trump đã buộc phải huỷ một loạt cuộc xuất hiện vận động cuối tuần qua và ẩn nấp trong suốt gần 48 tiếng trước cuộc tranh luận ở toà tháp Trump Tower ở đại lộ 5 ở New York.
Khuôn mặt của Trump khi bước vào cuộc tranh luận cũng thể hiện khủng hoảng: buồn bã, thiếu năng lượng hoàn toàn khác so với những lần xuất hiện trước công chúng của "ngôi sao truyền hình thực tế" này.
Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ được đánh giá là "xấu xí, bẩn thỉu". Ảnh: Reuters. |
Không bắt tay
Trong một lần hiếm hoi của lịch sử, hai ứng viên không bắt tay trước khi bước vào tranh luận. Bởi những gì diễn ra sau đó thật sự là cuộc đối đầu căng thẳng và “xấu xí”.
Những nhà bình luận nói đó là cuộc tranh luận “xấu xí, bẩn thỉu” nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Trong 90 phút, Donald Trump và Hillary Clinton gọi nhau là những kẻ nói dối, không đáng tin cậy và không phù hợp để làm tổng thống. Cả hai không tranh luận nhiều về khác biệt chính sách mà chủ yếu là chỉ trích về tính cách của nhau - đặc biệt là từ phía Trump đối với Hillary.
Trump có mục tiêu duy nhất cho cuộc tranh luận: biến cuộc khủng hoảng của mình thành cuộc tấn công toàn diện vào Hillary Clinton. Và có vẻ vị tỷ phú người New York đã đạt được điều này.
Khác với cuộc tranh luận đầu khi Trump rất thiếu chuẩn bị, thiếu tập trung, Donald Trump trong cuộc tranh luận này rất tập trung vào tấn công đối thủ.
Ông đã có những thành công nhất định khi tấn công vào vụ bê bối email, về quan điểm đối với thương mại tự do của Clinton. Bà Clinton không đưa ra được câu trả lời thuyết phục đối với vấn đề này.
Như kẻ côn đồ
Vị tỷ phú phe Cộng hoà đứng cả buổi, liên tục tìm cách chặn họng đối phương và sẵn sàng tranh cãi với người điều phối tranh luận khi cần. Bình luận viên David Brooks của New York Times nhận xét trên đài PBS rằng Trump “giống như kẻ côn đồ” trong cuộc đụng độ.
Các cuộc tranh luận của Trump vẫn không nhiều thông tin về chính sách. Thực tế hơn một phần ba thời gian tranh luận trôi qua mà hầu như không đụng đến tranh cãi chính sách nào.
Bà Clinton vẫn thể hiện sự chuẩn bị, tính thuyết phục trong các câu trả lời nhưng rõ ràng bà không còn chi phối áp đảo như trong cuộc tranh luận đầu. Với một đối thủ với đầy những điểm yếu và khủng hoảng, bà Clinton đã không “hạ gục” được Trump trong tranh luận.
Lần đầu tiên, ứng viên tổng thống phe Cộng hoà thừa nhận đã lợi dụng các sơ hở trong hệ thống thuế của Mỹ để né thuế thu nhập cá nhân. Bà Clinton đã không tấn công được điểm sơ hở này.
Có thể tiêu chuẩn của công chúng là quá thấp đối với Trump khi các cuộc tranh luận của ông thường thiếu chuẩn bị, thiếu những chi tiết chính sách. Đây là cuộc tranh luận hiếm hoi mà ứng viên phe Cộng hoà làm tốt việc kỷ luật trong tấn công đối thủ.
Amy Walter bình luận trên PBS cho rằng những người ủng hộ Trump sẽ hài lòng với màn thể hiện của ứng viên này giữa cuộc khủng hoảng.
Nhưng với những đối tượng quan trọng nhất, những người chưa quyết định là bỏ phiếu ai – những người nghèo, những người nhập cư, phụ nữ...- khả năng này là rất khó.
Màn thể hiện của Trump có thể chặn phần nào cuộc khủng hoảng toàn diện vào lúc này. Nhưng kết cục của cuộc chạy đua có lẽ đã được định đoạt.