Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trump: Bà sẽ ngồi tù nếu tôi là tổng thống

Trump nói nếu đắc cử, ông sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra đặc biệt về bê bối email của bà Clinton và bà sẽ phải ngồi tù.

Tranh luận lần hai giữa Clinton và Trump Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton bước vào vòng đối đầu trực tiếp lần 2 giữa lúc chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa gặp các khủng hoảng lớn.
  • Hai nhà báo kỳ cựu cùng dẫn dắt tranh luận

    Hai nhà báo điều khiển tranh luận: Anderson Cooper (trái) và Martha Raddatz. Ảnh: Getty, ABC.

    Dẫn dắt cuộc tranh luận lần này là 2 nhà báo, người dẫn chương trình nổi tiếng: Anderson Cooper của đài CNN và Martha Raddatz của đài ABC. Cooper là một trong số những nhà báo công khai đồng tính sáng giá của nước Mỹ trong khi Raddatz là người có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng tin quốc tế.

    Sự kiện được tổ chức tại Đại học Washington, thành phố St. Louis, bang Missouri vào lúc 21h ngày 9/10 (8h ngày 10/10, giờ Hà Nội).

    So với lần trước, cuộc tranh luận lần này sẽ diễn ra theo cách thức hoàn toàn khác là "town hall meeting" (giao lưu, nhận câu hỏi từ công chúng). Hai ứng viên không đứng sau bục của mỗi người người nữa mà sẽ đi lại giữa đám đông cử tri trong trường quay.

  • Trump khủng hoảng toàn diện trước tranh luận

    Ông Donald Trump xuất hiện trong đoạn video năm 2005 với những lời lẽ thô tục về tình dục và phụ nữ. Ảnh: People.

    Sau cuộc tranh luận hôm 26/9, bà Hillary Clinton vượt lên dẫn trước ông Donald Trump trong nhiều cuộc thăm dò toàn quốc. Tình hình thêm tồi tệ cho vị tỷ phú khi ông liên tiếp vướng vào những sự việc ồn ào, từ phát ngôn sỉ nhục cựu hoa hậu đến nghi vấn trốn thuế suốt 18 năm.

    Đoạn video được Washington Post tung ra hôm 7/10 là một trong những "bất ngờ tháng 10" lớn nhất lịch sử. Xuất hiện trong video, Trump dùng nhiều lời lẽ thô tục khi nói về chuyện tình dục và phụ nữ. Sự việc khiến chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa lâm vào khủng hoảng toàn diện.

    Không chỉ các cử tri quay lưng mà nhiều quan chức đảng Cộng hòa cũng lên tiếng ngừng ủng hộ Trump, thậm chí yêu cầu ông rút khỏi cuộc bầu cử. Reuters dẫn lời chiến lược gia đảng Cộng hòa Ron Bonjean nói rằng Trump sẽ "phải cần đến phép màu mới có thể lật ngược tình thế".

    Trong khi đó, Ủy Ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) được cho là dành 2 ngày cuối tuần này để tiến hành đánh giá lại đường lối chiến lược của đảng. Theo Politico, RNC cũng tham vấn các luật sư về khả năng thay thế Trump bằng một ứng viên khác trong bối cảnh phiếu bầu đã in và cử tri một số bang đã bỏ phiếu sớm.

  • Obama cùng 400.000 cử tri đi bỏ phiếu sớm

    Một tấm bảng đặt ngoài điểm bỏ phiếu sớm tại bang Minnesota hôm 23/9. Ảnh: Getty.

    Năm nay là lần thứ 58 người dân Mỹ đi bầu cử và họ sẽ chọn ra tổng thống thứ 45 cùng phó tổng thống thứ 48 của nước này. Cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 8/11 sắp tới.

    Việc bầu cử sớm được cho phép ở 37 bang và thủ đô Washington. Tính đến ngày diễn ra cuộc tranh luận thứ hai, 10 bang đã tiến hành bỏ phiếu sớm bằng hình thức trực tiếp. Ngoài ra, một số bang cho phép cử tri bỏ phiếu sớm qua mail, bao gồm các bang tranh chấp quan trọng như North Carolina, Nevada, Florida, Virginia,...

    Theo AP, số cử tri bỏ phiếu sớm năm nay có thể đạt tỷ lệ 40% trên tổng số cử tri đi bầu, cao hơn 5% so với mùa bầu cử năm 2012. Hiện tại, ít nhất 400.000 cử tri đã bỏ lá phiếu của mình.

    Tổng thống Obama ngày 7/10 cũng đã đến một địa điểm tổ chức bầu cử sớm ở thành phố Chicago, bang Illinois để bỏ phiếu chọn người kế nhiệm.

  • Trump, Clinton không bắt tay

    So với lần tranh luận đầu tiên được bắt đầu bằng những hình ảnh thân mật, ông Trump và bà Clinton lần này không bắt tay nhau.

    Trả lời câu hỏi đầu tiên do một phụ nữ đặt ra, bà Clinton nói: "Tôi lạc quan về những điều nước Mỹ có thể làm được nếu phối hợp cùng nhau. Tôi sẽ nỗ lực vì tất cả mọi người, hàn gắn và đoàn kết đất nước".

    Trả lời cho cùng câu hỏi, ông Trump nói tôi bắt đầu chiến dịch vì những điều "ngu ngốc" đã xảy ra ở nước Mỹ. Khi được hỏi về những lời lẽ thô tục về phụ nữ mới được đưa ra, Trump nói: "đó là câu chuyện trong phòng kín" và ông chẳng hề tự hào vì nó. Ông Trump xin lỗi về video này. Ảnh: Reuters

  • Trump biện bạch về đoạn video xúc phạm phụ nữ

    Khi được hỏi về những lời lẽ thô tục về phụ nữ mới bị phanh phui, Trump cho biết "đó là câu chuyện trong phòng kín" và ông chẳng hề tự hào vì nó. Ông Trump xin lỗi về video này.

    "Trump nói đoạn phim không phản ánh ông ta, nhưng tôi nghĩ rằng nó chính xác đã lột tả con người Trump. Từ suốt chiến dịch tranh cử, ông ấy liên tục có những lời lẽ tấn công, hạ nhục phụ nữ, bôi nhọ cựu hoa hậu hoàn vũ", bà Clinton đáp trả.

    Trump "lảng tránh" từ câu chuyện video năm 2005 một cách đột ngột sang chủ đề khác bằng cách nói "tôi sẽ hạ gục IS, tôi sẽ tiêu diệt IS". Ông cũng nói về một số cam kết như "xây dựng các thành phố tốt hơn cho người Mỹ gốc Phi và gốc Latin", "xây dựng đất nước chúng ta an toàn hơn".

  • "Bà sẽ ngồi tù nếu tôi là tổng thống"

    Ông Trump công khai tấn công ông Bill Clinton: "Những điều ông ta đã làm đối với phụ nữ là chưa từng có trong lịch sử chính trị". Trump cũng cáo buộc bà Hillary đe dọa "các nạn nhân" của ông Clinton.

    Bà Clinton lặp lại phát biểu của bà Michelle Obama để đáp trả: "Khi họ ở dưới thấp, chúng tôi ở trên cao".

    "Nếu tôi đắc cử, tôi sẽ yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp mở cuộc điều tra đặc biệt về bê bối email của bà", Trump đe dọa.

    Bà Clinton cho rằng ông Trump chưa bao giờ xin lỗi về những lời nói tục tĩu hoặc công kích người khác; trong khi ông Trump phản pháo rằng bà Clinton cần xin lỗi về bê bối email cá nhân, 33.000 email bị xóa, và về những phát biểu riêng tư của bà bị Wikileaks công bố.

    Khi đối thủ đang đáp trả, Trump chen ngang với tuyên bố: "Bà sẽ ngồi tù nếu tôi là tổng thống". Ảnh: Reuters


  • Hai ứng viên tranh luận về Obamacare

    Sau những tranh cãi liên tục về các chủ đề cũ và các công kích cá nhân, bà Clinton đề nghị "chúng ta hãy trở về với những chủ đề mà cử tri quan tâm". Donald Trump miễn cưỡng chấp nhận.

    Chủ đề được thảo luận kế tiếp là về chính sách chăm sóc y tế.  "Tôi khẳng định 100% rằng sẽ nỗ lực để chi phí tiếp tục giảm và chất lượng tăng", bà Clinton nói. "Nếu đạo luật này bị hủy bỏ, tất cả lợi ích của nó sẽ biến mất và nước Mỹ phải bắt đầu lại từ đầu".

    "Obamacare là một thảm họa. Nó không bao giờ hiệu quả và rất tệ, khiến đất nước tốn kém nghiêm trọng", Trump nói.

     

  • Không khí trong buổi tranh luận căng thẳng từ những giây phút đầu tiên. Quá khứ của cựu tổng thống Bill Clinton bị ứng viên Donald Trump nhắc lại để "tấn công" bà Clinton. Ảnh: Reuters/AP

  • Tranh luận về sự kỳ thị với người theo đạo Hồi

    Một phụ nữ đạo Hồi đặt câu hỏi chung cho cả 2 ứng viên về sự kỳ thị Hồi giáo và cách họ giúp những người Hồi giáo vượt qua tình trạng này.

    Trump là người trả lời đầu tiên. Ông cho rằng những vụ xả súng ở Orlando, San Bernadino và vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001 là những hành động của khủng bố Hồi giáo cực đoan. Tổng thống Obama và bà Clinton "sẽ không nói như vậy". Người Hồi giáo cần là người đầu tiên trình báo về những âm mưu khủng bố nếu họ biết về chúng.

    Bà Clinton thừa nhận vấn đề của người Hồi giáo đang là một chủ đề gây chia rẽ. Bà nói muốn xây dựng nước Mỹ là nơi mà người Hồi giáo được chào đón như những người khác trong khi những lời nói của Trump là "món quà" dành cho phiến quân IS.

     

    Người điều phối nêu lên một câu hỏi cho Trump về chính sách cấm cửa người Hồi giáo của ông. "Chúng ta không thể biết rõ những người tị nạn Hồi giáo là ai, họ có phải phần tử khủng bố hay không". Trump nhắc đến chuyện một sĩ quan đã hy sinh trên chiến trường: "Đại úy Khan là một anh hùng và nếu anh ta còn sống thì anh ấy có thể trở thành tổng thống".

    Bà Clinton nói đề xuất của ông Trump là "không khôn ngoan và nguy hiểm". "Các trang khủng bố đang sử dụng những phát biểu của ông Trump để chiêu mộ. Vì chúng muốn gây ra chiến tranh giữa chúng ta", bà nói. Ảnh: Reuters


  • "Trump không đóng thuế trong gần 20 năm"

    Một nam thanh niên tại khán phòng đặt câu hỏi, làm sao các vị bảo đảm giới nhà giàu sẽ đóng thuế đầy đủ.

    Tỷ phú Trump trả lời câu hỏi này đầu tiên. Ông cho rằng đã đóng hàng trăm triệu tiền thuế, "nhiều hơn cả người bạn Warren Buffet của bà Clinton". Về việc đóng các lỗ hổng và thay đổi chính sách thuế, Trump cho rằng: "Bà ấy đã làm việc hơn 30 năm nhưng không thay đổi được gì, và sẽ không bao giờ thay đổi".

    Bà Hillary nói kế hoạch thuế của Trump sẽ giúp giới nhà giàu và các tập đoàn có được khoản giảm thuế lớn nhất chưa bao giờ có, gia tăng thuế của những gia đình trung lưu. "Ông ta chỉ quan tâm chính bản thân và những người như ông ta", bà Clinton nói, đồng thời nhắc lại chuyện Trump không đóng thuế thu nhập trong gần 20 năm.

  • Nếu là tổng thống, Clinton sẽ không đưa quân tới Syria

    Một câu hỏi từ mạng xã hội được đặt ra cho 2 ứng viên là nếu trở thành tổng thống, Clinton hoặc Trump sẽ làm gì về tình hình Syria?

    Bà Clinton được đề nghị trả lời đầu tiên. "Tình hình ở Syria thực sự là một thảm họa", bà Clinton nói. Bà nhấn mạnh về sự liên quan của Nga trong cuộc chiến ở Syria. "Tôi ủng hộ việc điều tra tội ác chiến tranh của quân đội Syria và có thể là của quân đội Nga gây ra ở Syria, buộc họ phải nhận trách nhiệm".

    Ông Trump nói: "Tôi không thích Assad chút nào, nhưng ông ta đang tiêu diệt IS, lính Nga cũng đang tiêu diệt IS". Người điều phối dường như cho rằng ông Trump đang lạc đề và lặp lại câu hỏi. Ông Trump cũng thừa nhận tình hình ở Syria là "thảm họa". "Tại sao không làm nó thầm lặng, mở một chiến dịch tấn công âm thầm vào Mosul (thành trì của IS ở Iraq)? Tại sao các tướng lĩnh không bí mật tấn công và hạ gục IS?", Trump nói.

    "Nếu Aleppo sụp đổ thì sao", người điều phối hỏi. "Về cơ bản nó đã sụp đổ", Trump trả lời.

    Trong khi đó, bà Clinton khẳng định sẽ không triển khai bộ binh tham chiến ở Syria, cho rằng đây là quyết định nguy hiểm. "Tôi hy vọng trước khi tôi trở thành tổng thống thì chúng ta đã có thể đẩy lùi IS ra khỏi Iraq. Nhiều cơ hội cho thấy chúng có thể bị đánh bật khỏi Mosul", bà nói.


  • Trump: Tôi sẽ là tổng thống của mọi người dân

    Một người đàn ông trung niên da đen đặt câu hỏi: "Liệu ông/bà có tự tin xứng đáng và thu được nhiều lá phiếu để trở thành tổng thống không?"

    Ông Trump nói ông tự tin về điều này. "Bà Clinton nói người dân của chúng ta đáng khinh. Tôi sẽ không nói như vậy, tôi sẽ là tổng thống của tất cả mọi người".

    Trong khi đó, bà Clinton nhắc lại tỷ lệ đắc cử cao trong nhiệm kỳ thượng nghị sĩ lần 2, về xuất phát điểm là một luật sư đấu tranh chống phân biệt đối xử chống người da đen... Về bình luận "đáng khinh", bà Clinton bào chữa rằng đây không phải là từ dùng cho các cử tri, mà nói về chiến dịch gây chia rẽ của ông Trump, khi công kích người da đen, Hồi giáo, gốc Latin, nhập cư và cựu binh.

    "Chúng ta đang có một đất nước chia rẽ, vì những người mang sự thù hận to lớn trong tim như bà Clinton", Trump nói. "Đất nước này không thể có thêm 4 năm với người tiếp tục các chính sách của ông Obama, đó là bà Clinton".


  • Clinton nói Trump không có tư cách làm lãnh đạo tốt

    Người điều phối hỏi bà Clinton: "Liệu Trump có tư cách trở thành lãnh đạo tốt?"

    Bà Hillary đáp ngắn gọn: "Không".

    "Tôi bàng hoàng khi nghe như vậy", Trump đáp chen ngang.

    "Đó không chỉ là ý kiến của riêng tôi", bà Clinton nói, nhắc lại việc nhiều quan chức đảng Cộng hòa đã tuyên bố tẩy chay Trump.

     

  •  
     
     
    Các con gái, con dâu, con trai và vợ ông Donald Trump có mặt trong khán phòng, chăm chú lắng nghe cuộc tranh luận, trong khi con gái và chồng của bà Hillary cũng tới tham dự và ủng hộ bà. Ảnh: Reuters

     

  • Clinton: Tôi tôn trọng các con của ông ấy

    Một khán giả đặt câu hỏi: "Điều gì mà ông/bà tôn trọng đối thủ của mình nhất?". Câu hỏi này khiến khán phòng bật cười vì thích thú.

    Bà Clinton nói: "Tôi tôn trọng các con của ông ta. Những người con của Trump phản ánh nhiều điều về ông ấy".

    Trump cảm ơn lời khen của bà Clinton, và nói về nữ ứng viên rằng: "Bà ấy không bao giờ từ bỏ, không bao giờ bỏ cuộc. Dù tôi có nhiều bất đồng quan điểm với bà ấy, nhưng tính cách này là điều mà tôi ngưỡng mộ Hillary. Đây là một tính cách tuyệt vời".

    Câu hỏi này cũng kết thúc buổi tranh luận lần 2 giữa các ứng viên.

Những màn tranh luận nảy lửa giữa Clinton và Trump Hai ứng viên tổng thống Mỹ bước vào cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên tối 26/9 (sáng 27/9 giờ Hà Nội). Họ công kích nhau từ những bê bối cá nhân đến các vấn đề chính sách.

Bất ngờ tháng 10: Phép màu mới giúp Trump lật ngược tình thế

Chuyên gia bình luận ông Trump "phải cần đến phép màu để xoay chuyển tình thế", trong khi đó đảng Cộng hòa như ngồi trên đống lửa vì khả năng thay thế Trump khó xảy ra.

Hillary hồi sinh, Trump sa lầy sau cuộc tranh luận đầu

Sau đêm tranh luận đầu hôm 26/9, tỷ lệ ủng hộ bà Clinton tăng vọt trong khi ông Trump mắc kẹt với những phát ngôn liên quan đến cựu hoa hậu hoàn vũ.

Minh Anh - Đông Phong

Bạn có thể quan tâm