Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sau trái dứa, tới lượt cá mú Đài Loan vào 'tầm ngắm' của Trung Quốc

Sau ngành trồng dứa, đến lượt cá mú của Đài Loan lọt vào "tầm ngắm" của Bắc Kinh, có khả năng khiến ngành nuôi trồng thủy sản của hòn đảo hứng chịu thiệt hại nặng nề.

Trung Quoc cam nhap khau ca mu tu Dai Loan anh 1

Lin Chun-lai mua trang trại nuôi trồng cá mú của ông ở miền Nam Đài Loan khoảng 10 năm trước với dự định xuất khẩu mặt hàng này tới Trung Quốc đại lục khi nhu cầu của người tiêu dùng tại quốc gia tỷ dân ngày càng tăng cao.

Chỉ trong một vài năm, ông Lin đã kiếm đủ tiền để có thể trang trải cho cuộc sống của gia đình, đồng thời mở một khách sạn nhỏ.

Trung Quoc cam nhap khau ca mu tu Dai Loan anh 2

Một trang trại nuôi trồng và chế biến cá mú tại thị trấn Fangliao, Đài Loan. Ảnh: New York Times.

Khi Trung Quốc đại lục đột ngột tuyên bố dừng nhập khẩu cá mú từ Đài Loan vào ngày 13/6 để gây áp lực kinh tế với hòn đảo này, ông Lin cùng nhiều nông dân nuôi cá mú khác mất đi thị trường tiêu thụ chính, dẫn tới thiệt hại nặng nề. Lệnh cấm của Trung Quốc đại lục đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ngành nuôi trồng thủy sản tại Đài Loan.

"Nếu không thể làm nghề nuôi cá mú thì tôi biết làm gì để kiếm sống đây", ông Lin nói, vừa đứng nhìn trang trại cá rộng 2,5 ha của mình, nơi ông đang nuôi hơn 70.000 con cá mú.

Tuy đã đến thời điểm thu hoạch, từ khi lệnh cấm của Trung Quốc đại lục được ban hành, ông Lin vẫn chưa nhận được một đơn hàng nào từ các thương nhân.

Trung Quốc gia tăng áp lực kinh tế

Giới chức Hải quan Trung Quốc cho biết nước này phát hiện những chất bị cấm và hóa chất khác với hàm lượng cao trong các chuyến hàng cá mú nhập khẩu từ Đài Loan thời gian gần đây.

Phía Đài Bắc cáo buộc hành động của Bắc Kinh có động cơ chính trị. Người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố sẽ làm mọi cách để giúp đỡ những nông dân nuôi cá mú.

Trung Quoc cam nhap khau ca mu tu Dai Loan anh 3

Trang trại nuôi trồng cá mú của ông Lin đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Trung Quốc đại lục không ngừng gây áp lực lên Đài Loan, trong khi hòn đảo này ngày càng thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh truyền thống của mình như Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục cử máy bay quân sự áp sát hòn đảo. Bắc Kinh cũng gây áp lực lên Đài Bắc thông qua việc nỗ lực chia rẽ hòn đảo với một số ít các đồng minh còn lại của hòn đảo, đồng thời ngăn cản Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, Đài Loan cũng bị hạn chế tiếp cận đối với thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc vì lệnh cấm nhập khẩu với những sản phẩm như dứa, táo từ đảo này.

Đài Loan cho đến nay đã phần nào hạn chế được tác động từ các lệnh cấm. Người dân hòn đảo này đã nhanh chóng hành động để trợ giúp những người nông dân trồng dứa.

Nhiều nhà hàng nhanh chóng bổ sung các món làm từ dứa vào trong thực đơn. Các chính trị gia thì đăng tải những bức ảnh đang thưởng thức những trái dứa trên mạng xã hội trong khi các công chức được khuyến khích tăng cường tiêu thụ loại quả này.

Các quốc gia như Nhật Bản cũng giúp đỡ bằng cách tăng sản lượng dứa nhập khẩu từ Đài Loan.

Trung Quoc cam nhap khau ca mu tu Dai Loan anh 4

Ông Hsieh Kun-sung, một nông dân trồng dứa cho biết công việc của ông ngày càng phát triển sau lệnh cấm của Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

"Nhờ sự giúp đỡ của người dân Đài Loan, công việc kinh doanh của chúng tôi thậm chí còn phát triển hơn trước", ông Hsieh Kun-sung, 61 tuổi, một nông dân trồng dứa tại thành phố Kaohsiung, miền Nam Đài Loan cho biết.

Không dễ tách khỏi thị trường Trung Quốc

Tuy nhiên, với những nông dân nuôi cá mú, việc tách khỏi thị trường Trung Quốc đại lục sẽ không dễ dàng như vậy. Theo dữ liệu của chính quyền Đài Loan, trong năm 2021, khoảng 91% lượng cá mú xuất khẩu, trị giá hơn 50 USD, được đưa tới Trung Quốc đại lục.

Loại cá này, với thịt mềm và ngon, được người dân Đài Loan coi là một loại hải sản cao cấp, chỉ được ăn trong các dịp đặc biệt. Ông Lin cho biết từ khi lệnh cấm của Trung Quốc được đưa ra, giá cá mú tại Đài Loan đã giảm xuống còn 3,3 USD mỗi pound (khoảng 0,45 kg) từ mức 4 USD.

Trung Quoc cam nhap khau ca mu tu Dai Loan anh 5

Cá mú được coi là một mặt hàng cao cấp và chỉ được ăn trong các dịp đặc biệt tại Đài Loan. Ảnh: New York Times.

Việc thay đổi chuỗi cung ứng cũng sẽ gây ra khó khăn cho nông dân nuôi cá mú ở Đài Loan.

Do cá mú thường được bán ở dạng tươi sống tại Trung Quốc, việc chuyển đổi thị trường tiêu thụ ra những nơi xa hơn sẽ đòi hỏi phải áp dụng "chuỗi cung ứng lạnh", bao gồm một hệ thống lưu trữ và các phương tiện vận chuyển đông lạnh để đảm bảo chất lượng sản phẩm nhưng sẽ đòi hỏi phải tốn thêm chi phí.

Tuy có sự gia tăng nhẹ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước và tại Nhật Bản, những người nông dân nuôi cá mú cho biết số lượng đơn hàng họ nhận được vẫn rất nhỏ.

"Rất dễ để vận chuyển cá tươi sống tới Trung Quốc. Cho nên khi bạn thay đổi mô hình mọi thứ sẽ rất khó khăn", ông Kuo Chien-hsien - trợ lý giáo sư tại khoa sinh vật học dưới nước của Đại học Quốc gia Chiayi cho biết.

Lệnh cấm mới nhất là lời nhắc nhở với Đài Loan về những rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc đại lục. Trao đổi thương mại giữa hai bên đã phát triển trong 10 năm qua, đặc biệt dưới thời chính quyền trước tại Đài Loan, khi quan hệ giữa hai bên vẫn còn tương đối tốt đẹp.

Vào năm 2010, Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã ký một thỏa thuận thương mại mang tính lịch sử, giúp cắt giảm thuế đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Đài Loan, bao gồm cá mú. Nhiều nông dân tại Đài Loan đã nhanh chóng gia tăng số lượng đàn cá của mình, thường mất tới 5 năm để trưởng thành, nhằm đáp ứng nhu cầu từ Trung Quốc đại lục.

Khi Chen Chien-chih, 50 tuổi, tiếp quản công ty nuôi trồng cá của gia đình ở miền Nam Đài Loan khoảng 5 năm trước, cá mú đã là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty này.

Ông Chen và vợ, bà Pan Chiung-hui, đã tỏ ra lo lắng khi thấy Trung Quốc đại lục liên tục áp đặt lệnh cấm lên những sản phẩm trong danh mục các mặt hàng được giảm thuế. Nỗi sợ của họ đặc biệt lớn dần khi Trung Quốc đại lục tuyên bố phát hiện các hóa chất cấm trong một chuyến hàng cá mú nhập khẩu từ hai trang trại ở Đài Loan.

Hai vợ chồng ông Chen sau đó đã nhanh chóng bán số lượng cá đang nuôi của mình. Khi lệnh cấm được chính quyền Trung Quốc đưa ra vào hôm 13/6, ông Chen và vợ đã bán được một nửa đàn cá có số lượng khoảng 6.000 con của họ, phần lớn cho các thương nhân buôn cá nội địa và cho người tiêu dùng.

Trung Quoc cam nhap khau ca mu tu Dai Loan anh 6

Hai vợ chồng ông Chen Chien-chih và bà Pan Chiung-hui đã bán được một nửa trong số 6.000 con cá mú mà ông bà đang nuôi khi lệnh cấm được áp dụng. Ảnh: New York Times.

"Chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa. Nhưng điều đó là không đủ. Chúng tôi vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc đại lục", bà Pan nói.

Trong những ngày gần đây, giới chức nông nghiệp Đài Loan đã liên hệ với những người nông dân nuôi cá mú để bàn về những biện pháp hỗ trợ của chính quyền cho những người này, bao gồm việc cung cấp những khoản vay với lãi suất thấp và trợ cấp mua thức ăn chăn nuôi, đồng thời giúp nông dân tiếp cận những thị trường mới. Một ý tưởng khác đang được bàn luận là cung cấp các sản phẩm cá mú trong các suất cơm được bán tại nhà ga và trên các chuyến tàu tại Đài Loan.

Cơ quan Ngư nghiệp Đài Loan cho biết cơ quan này sẽ chi 13 triệu USD để hỗ trợ ngành nuôi trồng cá mú tại hòn đảo này.

Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan đang cân nhắc việc đâm đơn kiện lệnh cấm nhập khẩu cá mú của Trung Quốc đại lục lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bán lỗ

Ông Lin Kuo-ping, Phó giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp Đài Loan cho biết giới chức Đài Loan đã liên hệ với những người đồng cấp phía Trung Quốc đại lục để bàn về quy trình kiểm tra các chuyến hàng cá mú nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Một số nông dân nuôi cá mú cho biết nếu lệnh cấm nhập khẩu không sớm được dỡ bỏ, họ sẽ phải chấp nhận bán lỗ những đàn cá mú của mình ở thị trường nội địa. Ông Lin lo ngại rằng đàn cá mú của ông có thể chết dần do bị nuôi với số lượng quá đông trong một thời gian dài.

Trung Quoc cam nhap khau ca mu tu Dai Loan anh 7

Một bức tượng cá mú tại thị trấn Fangliao, Đài Loan. Phần lớn lượng cá mú xuất khẩu của hòn đảo này được đưa tới thị trường Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Ông Lin giờ đặt cả hy vọng vào đàn cá nhụ bốn râu của mình, cũng là một mặt hàng được ưa chuộng tại Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng kế hoạch dự phòng của mình cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi địa chính trị. Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá nhụ bốn râu của Đài Loan đạt 40 triệu USD, trong đó có 70% là tới Trung Quốc.

"Khách hàng lớn nhất của chúng ta vẫn là Trung Quốc đại lục", ông Lin nhận định.

Trung Quốc cấm nhập khẩu cá mú Đài Loan

Giới chức Đài Loan (Trung Quốc) chỉ trích lệnh cấm nhập khẩu cá mú từ hòn đảo này của Bắc Kinh “có động cơ chính trị” và nhằm “tăng cường áp lực lên Đài Bắc".

Trung Quốc ‘giáng đòn’ vào cá mú đỏ Australia

Ngành đánh bắt cá mú đỏ ở Queensland gặp nguy hiểm sau khi nhà xuất khẩu cá tươi sống lớn nhất Australia không được gia hạn giấy phép xuất khẩu ở Trung Quốc.

An Bình

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm