Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sâu thẳm buồn vui' của Ba Thợ Tiện

Cuốn trự truyện của cây bút hàng đầu làng báo miền Nam gây chú ý khi cung cấp nhiều câu chuyện, hình ảnh độc đáo về Sài Gòn trước và sau năm 1975.

Không nhiều người biết rằng nhà báo Ba Thợ Tiện (tên trên giấy khai sinh là Hoàng Thoại Châu, tên cha sinh mẹ đẻ là Huỳnh Tuyền) gặp khá nhiều khó khăn trong con đường học vấn. Lên 6 tuổi, cha lên chiến khu, cậu bé Tuyền phải đi chăn trâu mướn cho nhà giàu nên không được đi học. Mãi năm mười mấy tuổi, cậu mới được học chữ. Để tránh cho cậu khỏi mặc cảm lớn tuổi mà đi học cùng con nít, ông thầy đã giảm tuổi chính thức của Tuyền xuống tới 5 tuổi.

Tác giả Ba Thợ Tiện trong buổi giao lưu ra mắt cuốn Sâu thẳm buồn vui.

Được cái học hành thông minh, sáng dạ nên ông nhanh chóng theo kịp các bạn. Nhưng chẳng bao lâu, lệnh quân dịch ban bố khắp nơi, Huỳnh Tuyền phải trốn vào Sài Gòn, tìm tới một ngôi chùa giả danh làm người tu hành. Cũng từ đây, tâm hồn day dứt của một người yêu nước đang bị tù túng nên Huỳnh Tuyền đã sáng tác tập thơ Tình biển nghĩa sông. Đem tập thơ đi in thì chính quyền từ chối vì… tập thơ có vấn đề. May mắn cuối cùng cho ông là một nhà xuất bản đã “lách luật”, nhận in tập thơ. Điều thú vị là sau đó, tập thơ lại được chính quyền Sài Gòn trao giải Nhất trong cuộc thi giải thưởng văn học nghệ thuật 1967- 1969 tại Sài Gòn.

Chính quyền Sài Gòn đã bị Huỳnh Tuyền qua mặt khi trong tập thơ còn có bài thơ ca ngợi Hồ Chí Minh mà Huỳnh Tuyền viết sau khi nghe tin Bác mất. Dù không nói rõ tên nhưng ai đọc cũng hiểu Huỳnh Tuyền viết về Bác Hồ. Trong bài thơ Mặt trời ngủ yên in trong tập thơ có những câu như: Vũ trụ chuyển mình/ Địa cầu rung động/ Để báo hiệu sau bảy mươi chín vòng quay/ Bây giờ/ Ba-chín-sáu-chín/ Mặt trời ngủ yên”.

Dù qua mặt chính quyền trong vụ tập thơ nhưng Huỳnh Tuyền không qua mặt được họ trong những hoạt động chống chiến tranh, đòi hòa bình thống nhất đất nước. Sau đó một thời gian, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam và đày ra Côn Đảo. Mãi tới khi đất nước thống nhất, Huỳnh Tuyền mới được trở về đất liền cùng nhiều tù nhân yêu nước khác. 

Đất nước hòa bình, gặp môi trường mới, Huỳnh Tuyền như cá gặp nước. Ông hăng say viết lách, cùng tham gia cho ra đời tờ báo Tuổi Trẻ và sau này ông cũng góp công làm lên thương hiệu một thời là tờ Lao Động. Đặc biệt, với bút danh Ba Thợ Tiện, ông mạnh dạn đưa lên mặt báo nhiều vấn đề gai góc, những vấn đề liên quan đến đời sống nhân sinh mà một thời nhiều người vẫn coi là nhạy cảm. Chính vì cách nhìn nhận và cách nêu vấn đề khá táo bạo nhưng chính xác nên các bài báo của ông luôn được đánh giá cao, được nhiều vị lãnh đạo có trách nhiệm đồng tình ủng hộ. Cuối cùng, ông được mời tham gia Thứ Sáu, nhóm cố vấn đã tư vấn cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nhiều vấn đề quốc sách.

Giờ đây, dù đã nghỉ hưu, cái tên Ba Thơ Tiện vẫn được vẫn được độc giả nhắc tới, vẫn được giới chuyên môn trong làng báo đánh giá cao. Với cuốn tự truyện Sâu thẳm buồn vui, Ba Thợ Tiện chia sẻ: “Đây là tác phẩm tôi kể chuyện đời mình cùng hồi ức của hai cuộc chiến tranh kế tiếp nhau, tôi kể về mình ở một góc rất nhỏ đã cùng bạn bè cất cao tiếng hát theo cách của chúng tôi, giữa đô thị miền Nam, trước 1975. Và rồi bản thân tôi, một người viết báo ngay trong những ngày đầu đất nước được giải phóng, đổi mới và hội nhập giữa những mong muốn về một xã hội tốt đẹp hơn. Tất cả với chỉ một nỗi mong, con cháu sau này biết được ông bà, cha mẹ của chúng đã phải trải qua những thời như thế. Cuộc đời suy cho cùng, là cuộc vượt thoát những khó khăn để cuộc sống được tử tế hơn”.

 

http://www.tienphong.vn/van-nghe/sau-tham-buon-vui-cua-ba-tho-tien-913966.tpo

Theo Trọng Thịnh/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm