Đó là mô hình về đường sách Nguyễn Văn Bình mới được chia sẻ tại buổi họp của Hội xuất bản Việt Nam tại TP HCM ngày 25/9. Ý tưởng được đưa ra từ hơn một năm trước với mong muốn có một không gian văn hóa, tri thức cho người dân và cũng là địa điểm kinh doanh, tổ chức sự kiện của giới xuất bản, phát hành sách. Trong những ngày diễn ra hội sách nhân ngày sách và bản quyền thế giới diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, ý tưởng về đường sách đã được thử nghiệm và nhận được phản ứng tích cực từ dư luận.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam. |
Ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cho biết: “Hội đã tham mưu cho Sở thông tin và truyền thông làm đề án mô hình xây dựng đường sách. Hiện, đề án đã gửi lên UBND thành phố và chờ quyết định của lãnh đạo. Thời gian qua, chúng tôi cũng xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan như: Sở kiến trúc, Bưu điện thành phố, công an Thành phố… tất cả đều ủng hộ xây dựng đường sách”.
Mô hình đường sách Nguyễn Văn Bình do Sở Thông tin và truyền thông TP HCM đảm nhận. |
Theo dự án, toàn bộ tuyến đường Nguyễn Văn Bình dài 123 m sẽ được chia thành 3 khu vực: gian hàng sách, khu vực triển lãm, cà phê sách. Tuy nhiên, điều khiến các nhà xuất bản, phát hành quan tâm hơn cả là với số lượng hơn 100 đơn vị như hiện nay thì ai sẽ được kinh doanh trong đường sách vì chỉ có 19 gian hàng trên đường sách? Ông Lê Hoàng thú thật: “Chúng tôi chưa tính đến những tiêu chí cụ thể”.
Mô hình xây đường sách vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều vì 19 gian hàng liền kế quá dày. |
Kinh phí xây dựng đường sách sẽ là vốn xã hội hóa nghĩa là từ chính các nhà xuất bản, phát hành. Hiện nay, đường sách vẫn chưa có tên chính thức. Có hai phương án được đưa ra là: Đường sách Nguyễn Văn Bình và đường sách Sài Gòn – TP HCM.