Trong năm 2016, nếu không có chiến lược đào tạo và tính toán lại phúc lợi phù hợp, doanh nghiệp sẽ khó giữ chân lao động giỏi. Ảnh: N.Ý |
Khảo sát của JobStreet.com với 2.000 ứng viên tham gia cho thấy, có 67,8% người lao động muốn từ bỏ công việc hiện tại để tìm kiếm một cơ hội công việc khác. Nhu cầu nơi làm việc mới của những lao động này là giúp họ có cơ hội được đào tạo, thăng tiến cao hơn trong công việc chứ không phải tập trung vào phúc lợi nhận được.
Lệch pha ngành nghề, trình độ trong nhu cầu tuyển dụng
Bà Angie S W Phang, Tổng giám đốc JobStreet Việt Nam, cho biết, sau Tết nhu cầu tuyển dụng nóng lên từng ngày. Chỉ trong tuần đầu tiên mở cửa trở lại, doanh thu từ tuyển dụng của đơn vị này đã tăng vượt bậc, bằng với tổng doanh thu bình quân các tháng trước đó. Số lượng tin đăng tuyển của các doanh nghiệp liên tục và ồ ạt, ở tất cả các ngành nghề, với mức tăng gấp 4 lần so với các tháng bình thường. Trong đó, ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là kinh doanh và tiếp thị. Thống kê sơ bộ số lượng đăng tuyển qua đơn vị này trong một tuần, từ ngày 15-20/2 tương đương với tổng lượng đăng tuyển của 2-3 tuần trước Tết.
“Điều đáng nói là lượng lao động các doanh nghiệp cần trong thời điểm này không phải vì nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, mà là để thay thế, bù đắp cho số lao động nghỉ việc”, bà Angie S W Phang cho biết.
Đơn vị này cũng thực hiện khảo sát thị trường trên 350 nhà tuyển dụng, với kết quả trên 75% đánh giá quý I và quý II là giai đoạn thường xuyên có biến động về mặt nhân sự. Trong đó, 68% đánh giá sau Tết là giai đoạn cao điểm về nhu cầu tuyển dụng.
Tuy nhiên, đang có sự lệch pha trong tuyển dụng của một số ngành nghề trên thị trường. Theo số liệu tại tháng 1/2016, với lao động văn phòng, hiện kinh doanh, tiếp thị và công nghệ máy tính - thông tin là ba ngành có nhu cầu tuyển dụng rất cao (chiếm hơn 40% tổng số công việc đăng tuyển).
Trong khi đó, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, thị trường lao động thời điểm sau Tết chỉ tập trung lớn vào nhu cầu lao động phổ thông - lao động thời vụ phục vụ. Số liệu khảo sát định kỳ trong tháng 2/2016 mà Trung tâm này vừa thực hiện cho thấy, có 1.546 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 12.437 chỗ làm, tăng 6,29% so với tháng 1 và có 5.374 người có nhu cầu tìm việc.
Nhóm kinh doanh - bán hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 25% tổng nhu cầu. Tiếp theo là các ngành dịch vụ-phục vụ, du lịch - nhà hàng - khách sạn. Khác với mọi năm, nhóm dệt may - da giày lại có nhu cầu khá thấp, chỉ 2,77%. Mức lương tuyển dụng 5-8 triệu chiếm 25,64%; mức 8-10 triệu đồng chiếm 23,08%; cao nhất là 10-15 triệu chiếm 51,28%.
Trong tháng 2/2016, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm đến 38,24%. Nguồn: Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP HCM. |
Doanh nghiệp cần đối phó với lao động nhảy việc
Nhiều khảo sát gần đây cho thấy, đa phần người lao động đang có xu hướng lựa chọn công việc ứng tuyển khác với 1-2 năm trước. Những người lao động trẻ thường lựa chọn việc có mục tiêu và tạo ra những giá trị khác biệt mà không đặt nặng vấn đề phúc lợi như trước đây.
Các ứng viên được hỏi đều chia sẻ, họ muốn làm việc ở một công ty tốt hơn là một doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, các công ty có sự mở rộng kinh doanh ra ngoài thị trường Việt Nam được nhiều lao động chọn lựa. Nhiều ứng viên trẻ cũng cho biết, sẵn sàng làm việc ở nước ngoài trong thời gian 3-5 năm để học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm.
Theo bà Angie S W Phang, 2016 sẽ là năm các doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt để giữ chân người lao động, nhất là lao động giỏi. Bởi đây là thời điểm lao động có sự chuyển dịch mạnh mẽ do thị trường chung AEC hình thành, lao động Việt có nhiều cơ hội làm việc ở các nước trong khu vực.
Lao động phổ thông càng có nhiều cơ hội, vì so với các nước trong khu vực, đây vẫn là nguồn nhân lực lành nghề nhưng giá lại rẻ hơn. Trong khi đó, dù Việt Nam đang có lợi thế là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhất Đông Nam Á, nhưng cơ hội tuyển dụng lao động giỏi từ các nước cũng không dễ nếu doanh nghiệp Việt không có sự chuẩn bị, nhất là việc cơ cấu lại mức lương, thưởng, các chế độ đào tạo…
Sự thay đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần chủ động xây dựng ngân hàng nhân lực để bù đắp vào lượng lao động nhảy việc. Quỹ lương theo đó cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với kế hoạch tuyển dụng, và cần chú trọng hơn trong việc xây dựng thương hiệu của công ty.
Theo GS Đào Văn Lượng - nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM, nguồn nhân lực công nghệ thông tin có biến động ngay từ đầu năm chính là việc họ chờ đợi vào sự khởi sắc khi các hiệp định thương mại được ký kết.
Cụ thể, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) đang tạo một động lực lớn cho khối lao động ngành nghề này. Khi cộng đồng kinh tế chung này mở cửa thì CNTT sẽ là ngành được luân chuyển tự do nhân sự. Đây sẽ là yếu tố để họ chờ đợi, tìm kiếm một cơ hội khác ngoài biên giới hay ở các công ty đa quốc gia khác trong khu vực.
Song theo ông Lượng, các hiệp định thương mại đã tạo ra môi trường, mở ra cơ hội cho nhân lực CNTT ở Việt Nam, nhưng để tận dụng được thì đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ bản thân cá nhân cũng như định hướng chuyên ngành tốt từ các trường đào tạo.