Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong số các ca nhiễm mới có 188 ca lây lan trong cộng đồng, gồm 89 ca ở thủ đô Seoul, 67 ca ở tỉnh Gyeonggi bao quanh thủ đô và một số nơi khác, theo Yonhap.
Một ngày trước đó, Hàn Quốc đã báo cáo 279 ca nhiễm Covid-19 trong ngày, đánh dấu lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3, số ca nhiễm một ngày vượt quá 200.
Dù số ca nhiễm mới đã giảm so với một ngày trước, đó cũng là ngày thứ 4 liên tiếp ca nhiễm của Hàn Quốc vượt quá 100, với ngày 14/8 - 103 ca và ngày 15/8 - 166 ca. Tổng số ca nhiễm của nước này đến nay là 15.515, trong đó có 305 ca tử vong.
Các tín đồ giáo phái tham gia biểu tình chống chính phủ ở Seoul, Hàn Quốc, hôm 15/8. Ảnh: Reuters. |
Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo về nguy cơ tái bùng phát dịch trong vài ngày qua, đồng thời siết chặt quy định về giãn cách xã hội ở Seoul và các khu vực lân cận lên mức cảnh báo 2 (trong hệ thống 3 cấp) trong vòng 2 tuần bắt đầu từ ngày 16/8. Tuy nhiên, giới chức y tế vẫn lo ngoại quy mô tái bùng phát còn vượt ra ngoài phạm vi thủ đô.
Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Gang Lip nói với các phóng viên rằng giới chức sẽ siết chặt các quy định hơn nữa nếu tốc độ lây nhiễm ở đô thị Seoul không ổn định cho đến cuối tuần này. Họ cũng thành lập đội đặc nhiệm liên chính quyền về phòng chống Covid-19.
Thứ trưởng Kim kêu gọi người dân thủ đô ở trong nhà, tránh tụ tập không cần thiết và cảnh báo “các ca nhiễm mới ở đây có thể xảy ra bất cứ ở đâu và lúc nào”.
Khó khăn hơn nhiều so với Tân Thiên Địa
Vào cuối tháng 2, Hàn Quốc từng chứng kiến hàng trăm ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày ở thành phố Daegu phía đông nam.
Đợt bùng phát xuất phát từ các buổi tụ tập lớn của giáo phái Tân Thiên Địa, biến nó trở thành ổ dịch lớn nhất Hàn Quốc. Nhưng thứ trưởng Y tế nhận định tình hình hiện nay ở Seoul - với dân số gấp 10 lần - còn nghiêm trọng hơn Daegu. Giới chức hiện tại cũng gặp khó khăn trong việc truy vết những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Chỉ sau vài ngày, nhà thờ Sarang Jeil đã trở thành ổ dịch lớn thứ 2 ở Hàn Quốc, theo Washington Post.
Tổng cộng, Daegu đã ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm, nhưng tình hình đã ổn định vào tháng 4 sau khi Hàn Quốc triển khai nguồn lực y tế từ khắp cả nước tới đây. Các nhân viên y tế nhanh chóng xét nghiệm và tích cực truy vết những người tiếp xúc nhờ định vị điện thoại và lịch sử giao dịch thẻ tín dụng.
Nhưng hiện giờ, họ phải vật lộn truy vết và dự đoán lộ trình lây nhiễm ở Seoul, nơi đang bùng lên các ca nhiễm ở nhà thờ, nhà hàng, trường học và nhiều nơi khác.
Chính phủ Tổng thống Moon Jae In buộc tội mục sư Jun Kwang Hoon, người đứng đầu nhà thờ Sarang Jeil, gây cản trở các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bằng việc phớt lờ lệnh cách ly. Ông còn ngăn cản các tín đồ đi xét nghiệm và khai báo gian dối về số lượng tín đồ, những người thuộc diện cách ly.
Mục sư Jun Kwang Hoon trả lời các phóng viên bên ngoài trại giam ở Uiwang, phía nam Seoul, vào tháng 4. Ảnh: Yonhap. |
Giới chức y tế Hàn Quốc hôm 17/8 cho biết mục sư đã được chẩn đoán dương tính với Covid-19.
Ông Jun là một nhà hoạt động bảo thủ chuyên tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ. Hàn Quốc đã ghi nhận 319 ca nhiễm liên quan đến nhà thờ và yêu cầu 3.400 tín đồ cách ly. Tuy nhiên, vị mục sư tuyên bố việc bùng phát ở nhà thờ của ông là kết quả của một cuộc tấn công và đối thủ chưa xác định đã “đổ virus” vào nhà thờ.
Các công tố viên đang hối thúc bắt giữ ông Jun và yêu cầu tòa án Seoul hủy bỏ quyền bảo lãnh của ông ta.
Ông Lee Man Hee, giáo chủ Tân Thiên Địa, 88 tuổi, đã bị bắt hôm 1/8 với cáo buộc che giấu danh tính thành viên giáo phái và tổ chức các buổi truyền đạo bí mật, dẫn tới bùng phát virus trên diện rộng.
Quy mô tái bùng phát lớn
Giám đốc KCDC Jeong Eun Kyeong cho biết các cụm dịch liên hệ với nhà thờ đã “lây lan khắp đất nước với tốc độ chóng mặt”. Giới chức y tế đánh giá tình hình hiện tại là “khởi đầu của một cuộc tái bùng phát quy mô lớn”.
Ông Jeong một lần nữa kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cách ly xã hội, đeo khẩu trang và đi xét nghiệm ngay nếu xuất hiện các triệu chứng.
Trong hai tuần qua, các ổ cụm dịch chiếm 65,1% tổng số ca nhiễm, số bệnh nhân không xác định được nguồn lây nhiễm chiếm 11,6%.
Các cụm dịch bùng phát lẻ tẻ không có dấu hiệu thuyên giảm. Hầu hết liên quan đến các nhà thờ lớn nhỏ ở Seoul. Nhà thờ Sarang Jeil ở phía bắc Seoul đã ghi nhận 319 ca nhiễm, còn nhà thờ Woori Jeil ở Yongin, phía nam Seoul, đã có 131 ca nhiễm.
Biểu ngữ thông báo việc đóng cửa nhà thờ Sarang Jeil ở Seoul vào ngày 16/8. Ảnh: Yonhap. |
Ngoài ra, 13 ca dương tính được ghi nhận tại một cửa hàng Starbucks ở Paju, phía bắc Seoul, nâng tổng số ca nhiễm ở cửa hàng này lên 42.
Tại thành phố tây nam Gwangju, các quán bar, hộp đêm đã được lệnh đóng cửa trong 10 ngày sau khi 14 ca dương tính xuất hện tại một quận vui chơi về đêm.
Tập đoàn điện gia dụng LG Electronics cho biết một nhân viên làm việc tại tòa nhà văn phòng gần ga Seoul đã dương tính với Covid-19.
Ngoài ra, các ca nhiễm lẻ tẻ gần đây còn được ghi nhận tại cửa hàng Lotteria, một công ty đầu tư, các văn phòng, trường học và quán cà phê.
Seoul và khu vực lân cận là nơi sinh sống của 25 triệu người.