Có mặt tại TP.HCM trong chuyến làm việc tại Việt Nam, người đồng sáng lập của Grab xác nhận thông tin ứng dụng ví điện tử của hãng sẽ ra mắt tại Việt Nam năm 2018, cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác.
Bà Hooi Ling cho biết tương tự như các ứng dụng khác, Grab đang làm việc chặt chẽ với chính quyền Việt Nam để xem nên ra mắt ứng dụng GrabPay thế nào nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng địa phương.
Bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập của Grab, trong cuộc trao đổi với Zing.vn sáng 21/11. Ảnh: N. Việt. |
"Với niềm tin mà Grab tạo dựng được, chúng tôi chuyển sang giải quyết vấn đề lớn tiếp theo là thanh toán. Chúng tôi đã triển khai ứng dụng này tại Singapore cách đây một năm và tôi dùng nó thường xuyên, mua đồ ăn sáng, ăn trưa và mua các nhu yếu phẩm... Tôi muốn mang sự tiện lợi này tới VIệt Nam", bà nói với Zing.vn.
Bà nhấn mạnh lợi ích của ví điện tử trong việc giải quyết sự bất tiện của người dùng. Khách hàng sẽ không phải lo mang tiền mặt khắp nơi hay lo quay về nhà lấy ví, mà chỉ cần điện thoại, bạn có thể trả tiền ở nhà hàng, các điểm giao dịch.
Với chính quyền, tại Đông Nam Á, 1,5% GDP chỉ dành cho việc in tiền và thu lại tiền xu, tiền giấy... Trong khi đó, các chủ nhà hàng cũng tốn kém khi phải đảm bảo có đủ tiền lẻ cho giao dịch tiền mặt. Những vấn đề sẽ được giải quyết với ví điện tử.
Trước đó, năm 2016, hãng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á Grab đã cho phép người dùng thanh toán hóa đơn tại các cửa hàng bằng tính năng GrabPay. Tính năng mới này đã đưa GrabPay trở thành một loại ví điện tử đúng nghĩa, chứ không còn chỉ dùng để thanh toán cước phí cho các chuyến đi như trước đây.
Hiện tại, GrabPay chỉ mới có mặt tại Singapore. Tháng 4/2017, hãng gọi xe hàng đầu khu vực cũng mua lại Kudo nhằm mở rộng nền tảng thanh toán cho ứng dụng ví điện tử của mình.
Theo báo cáo của Grab, thị trường thanh toán khu vực Đông Nam Á có giá trị lên tới 500 tỷ USD (trong khi thị trường vận chuyển chỉ 25 tỷ USD).
2 tháng trước, một ứng dụng ví điện tử khác cũng mới ra mặt tại thị trường Việt Nam là Samsung Pay. Thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam ngày càng sôi động với sự góp mặt của hơn 20 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Momo, Zalopay.