VN-Index đang hồi phục trở lại sau pha 'sập' hơn 100 điểm xuống ngưỡng 1.170 điểm. Ảnh: Việt Linh. |
Tại tuần giao dịch 15-19/4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua cơn "rung lắc" dữ dội và khiến VN-Index thiệt hại hơn 101 điểm, tương đương mức giảm ròng gần 8% chỉ trong 1 tuần. Trong đó, đỉnh điểm là phiên điều chỉnh gần 60 điểm, cao nhất kể từ tháng 5/2022, vào ngày 15/4.
Bước sang tuần giao dịch trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, đồng thời là tuần cuối cùng của tháng 4 và đầu tháng 5, chỉ số chính đại diện sàn HoSE bắt đầu xuất hiện những nhịp hồi phục trong khi áp lực bán tháo dần hạ nhiệt. Dù thanh khoản tụt xuống mức thấp, việc dòng tiền trở lại giúp VN-Index giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.170 điểm.
Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực thời gian gần đây, các chuyên gia tin rằng thị trường vẫn chưa tìm được điểm cân bằng sau cú "sập" trước đó.
Khả năng hồi phục không bền vững
Trao đổi với Tri thức - Znews, ông Nguyễn Xuân Hiền, chuyên gia phân tích tại Học viện New World Education, cho biết nhịp giảm gần 60 điểm trong phiên 15/4 đã xác lập tâm lý giao dịch chung cho cả tuần 15-19/4.
Tâm lý sợ hãi lan tỏa toàn thị trường dẫn đến tình trạng bán tháo ồ ạt và kéo chỉ số giảm sâu về vùng hỗ trợ mạnh đầu năm 2024. Phải đến phiên 19/4, lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ mạnh mới xuất hiện và kéo VN-Index trở về mốc 1.174 điểm.
Trong khi đó, tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài ngày chứng kiến sự hồi phục của thị trường khi chỉ số tăng từ 1.174 điểm lên 1.209 điểm, tức gần 35 điểm. Theo ông Hiền, nhịp hồi phục này chủ yếu dựa vào yếu tố kỹ thuật.
Cụ thể, vị chuyên gia cho biết lực cầu bắt đáy tại ngưỡng hỗ trợ mạnh với mô hình 2 đáy nhỏ (tại mốc 1.177 điểm và 1.174 điểm) mạnh và chu kỳ báo cáo của các quỹ đầu tư là yếu tố giúp chỉ số vực dậy. Song, việc thanh khoản thị trường ở mức thấp, bình quân 16.500 tỷ đồng/phiên, cho thấy khả năng hồi phục dài hạn không bền vững.
VN-Index bật lên sau cú lao dốc giữa tháng 4. Ảnh: TradingView. |
“Thị trường cần một giai đoạn tích lũy đủ lớn để tạo bước nhảy đột phá về chỉ số trong thời gian tới”, chuyên gia Nguyễn Xuân Hiền nhận định.
Dự báo trong ngắn hạn, chỉ số có thể gặp áp lực chốt lời ở vùng 1.230-1.240 điểm. Đây được đánh giá là vùng cân bằng cho cả kịch bản tăng điểm (vùng tích lũy) và kịch bản giảm điểm (vùng phân phối). Dẫu vậy, dòng tiền vào thị trường hiện vẫn là ẩn số khi lãi suất đang chịu áp lực tăng bởi giá vàng và tỷ giá.
Đối với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, chuỗi bán ròng vẫn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4. Mặc dù khối ngoại có phiên bắt đáy ngày 19/4 với giá trị mua ròng là 680 tỷ đồng nhưng sau đó lại bán ròng 4 phiên liên tục với tổng giá trị khoảng 1.236 tỷ đồng. Trong phiên hồi phục cuối tháng 4, khối ngoại mua ròng 110 tỷ đồng. Đến 2 phiên giao dịch đầu tháng 5 sau kỳ nghỉ lễ, khối ngoại vẫn giữ xu hướng bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trong phiên 2/5 và chỉ gom lại khoảng 480 tỷ đồng trong phiên 3/5.
Như vậy, nhóm nhà đầu tư này vẫn xả ra thị trường hơn 500 tỷ đồng chứng khoán tuần gần nhất.
Giai đoạn trống thông tin
Theo chuyên gia phân tích Trương Quang Thành, thị trường đã bước vào giai đoạn trống thông tin khi đa phần doanh nghiệp đã tổ chức xong Đại hội đồng cổ đông và công bố báo cáo kinh doanh quý I/2024.
Đáng chú ý, hầu hết doanh nghiệp đều chứng kiến lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trong quý I nhưng tốc độ tăng đã giảm đáng kể so với quý IV/2023. Trong đó, 2 trụ cột chính của VN-Index là ngành ngân hàng và bất động sản đang cho thấy viễn cảnh không mấy khả quan.
Do vậy, vị chuyên gia cho rằng để trả lời câu hỏi sắp tới VN-Index sẽ diễn biến thế nào, nhà đầu tư cần làm rõ những yếu tố thúc đẩy kết quả kinh doanh quý II, hay nói cách khác thì đâu sẽ là động lực kéo thị trường lên trong thời gian tới.
Trên thực tế, quý II thường là giai đoạn thấp điểm của các doanh nghiệp. Theo ông Thành, nếu VN-Index tiếp tục đi xuống giai đoạn này cũng là chuyện dễ hiểu.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần xây dựng các kịch bản khác nhau dựa trên những yếu tố đang ảnh hưởng hiện nay, ví dụ như vấn đề tỷ giá, lãi suất, quan điểm điều hành chính sách của cơ quan quản lý và các tác động liên quan.
Nếu mọi thứ không có biến động mạnh thì VN-Index sẽ đi theo hướng sideway down (đi ngang theo chiều xuống) hoặc sideway (đi ngang) trong thời gian tới. Nếu có bất kỳ sự kiện lớn nào đó xuất hiện thì có thể xảy ra một số đợt tăng/giảm mạnh
Ông Trương Quang Thành, giảng viên, chuyên gia phân tích tại Học viện New World Education
Bên cạnh đó, các yếu tố địa chính trị quốc tế cũng ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index trong thời gian tới, có thể kể đến việc cuộc chiến Ukraine - Nga đang ở những giai đoạn bước ngoặt. Tình hình chiến sự xoay chiều có thể tác động đến chính sách hỗ trợ của phương Tây tới Ukraine và để ngỏ khả năng bán thêm trái phiếu chính phủ và giữ lãi suất ở mức cao.
Sau phiên 8/4, giá trị giao dịch trên VN-Index đã có sự suy giảm rõ rệt và giảm bớt số ngày thanh khoản ghi nhận trên 22.000 tỷ đồng. Đây cũng là một chỉ báo cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang khá bi quan và có xu hướng chốt lời nhanh do các thông tin tiêu cực liên tiếp xuất hiện trong tháng 4, bên cạnh việc khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng.
Ở góc nhìn khác, ông Thành cho rằng thanh khoản thấp giảm bớt xác suất xảy ra các đợt giảm mạnh.
Xét về phân tích kỹ thuật, VN-Index đang có 2 trụ đỡ là đường MA100 và MA200 lần lượt ở mốc 1.195 điểm và 1.178 điểm, đồng thời có trần là đường MA50 chặn ở mốc 1.248 điểm. Do đó, trong ngắn hạn, VN-Index có thể di chuyển trong khung này nếu thanh khoản tiếp tục thấp và không có sự kiện đặc biệt nào xảy ra.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.